MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trọng tài Jujitsu đã nhận đầy đủ chế độ tại SEA Games 31.Ảnh: TS

Khúc mắc trong chế độ, thu nhập của trọng tài

HOÀI VIỆT LDO | 28/09/2022 08:00

Trong các giải thi đấu, các chế độ cho vận động viên, huấn luyện viên và thu nhập của những đối tượng này luôn nhận được sự quan tâm. Thực tế, các trọng tài làm công việc chuyên môn luôn đau đáu về thu nhập làm sao phù hợp nhất để toàn tâm ổn định làm nhiệm vụ.

Câu chuyện của môn jujitsu

Ngày 26.9 vừa qua, trọng tài Nguyễn Đức Hiếu của môn Jujitsu lên tiếng việc vì sao chế độ làm nhiệm vụ của mình và các quyền lợi tại SEA Games 31 bị ảnh hưởng đồng thời gửi đơn khiếu nại đến Tổng cục Thể dục Thể thao; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phản ánh điều này. Trước ông Hiếu, trọng tài Đặng Dương Hoa cũng có văn bản phản án cùng vấn đề tương tự.

Chúng tôi đã trao đổi trực tiếp với cán bộ quản lý bộ môn Jujitsu (Tổng cục Thể dục Thể thao) - ông Trần Văn Thạch và được các giải thích về những chế độ mà trọng tài của môn này được hưởng khi làm nhiệm vụ tại SEA Games 31 vừa qua. Ông Thạch lý giải, tất cả chế độ thực hiện theo Thông tư 34/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 19.5.2021 về quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và thanh quyết toán kinh phí chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31. Theo đó, trọng tài trong nước được hưởng chế độ tiền công là 600.000 đồng/người/ngày hoặc Tổng trọng tài, Trưởng ban giám sát của mỗi môn là chế độ 900.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên các chế độ chỉ được quyết toán theo số ngày làm nhiệm vụ, thi đấu, trận đấu thực tế do Trưởng ban Tổ chức SEA Games 31 quyết định nhưng tối đa không vượt quá thời gian tổ chức SEA Games 31. “Chúng tôi thực hiện theo các quy định. Năm nay, các mức chi phí được chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản chứ không chi trả tiền mặt để đảm bảo minh bạch về tài chính” - ông Thạch bày tỏ.

Tuy vậy, dường như các trọng tài của môn jujitsu chưa có sự hài lòng khi có những thắc mắc về tiền ăn, về tiền di chuyển trong thời gian tham gia công tác SEA Games 31. Ghi nhận tại văn bản phúc đáp trọng tài Đặng Dương Hoa sau khi có khiếu nại đến Tổng cục Thể dục Thể thao, đơn vị này  đã bày tỏ các mục rõ ràng theo quy định bằng văn bản số 16/TCTDTT-TTTTC1 về các chế độ ăn ở, di chuyển, tiền làm nhiệm vụ nhằm giúp trọng tài thỏa đáng khúc mắc.

Vấn đề chế độ, thu nhập của trọng tài

Trên thực tế, không riêng SEA Games, các giải thể thao trong nước đều có chế độ thấp đối với đội ngũ các trọng tài tham gia nhiệm vụ. Việc lên danh sách trọng tài điều hành hoàn toàn từ bộ môn (Tổng cục Thể dục - Thể thao) và các chế độ về tiền công đã được quy định cụ thể. Trong Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch số 200 năm 2011 có ghi rõ mỗi giám sát, trọng tài chính nhận tiền công không quá 85.000 đồng/người/buổi trong giải thi đấu quốc gia. Điều này đồng nghĩa, mức chi phí cho các trọng tài là thấp.

Hiện tại ở tất cả các giải đấu quốc gia, Liên đoàn và Hiệp hội các môn thể thao đều có chi phí hỗ trợ trọng tài của các địa phương từ di chuyển đến tiền làm nhiệm vụ đến một địa phương tham gia giải cụ thể. Vì thế, phần nào chế độ của trọng tài là vừa đủ chi trả cho các sinh hoạt của mình. Mặt bằng chung, thu nhập của trọng tài là không cao. Trọng tài hiện chưa phải là một nghề chính thức.

Trừ môn bóng đá, trọng tài có thu nhập cao nếu tham gia công tác giải vô địch quốc gia (V.League) còn trọng tài ở những môn thể thao khác đều là những người tay ngang là từ huấn luyện viên hoặc giảng viên các trường đại học làm thêm công tác này, được mời dự các giải thi đấu quốc gia tổ chức. Chưa một trọng tài nào đưa ra ý kiến vì sao chế độ của mình thấp nhưng người làm chuyên môn đều biết, các chế độ ở mỗi môn khi tổ chức thi đấu giải thuộc hệ thống thi đấu quốc gia đều chưa đáp ứng được nhu cầu về thu nhập.

Trở lại với câu chuyện của trọng tài Jujitsu khi tham gia điều hành ở SEA Games 31 vừa qua, ông Thạch bày tỏ đúng là mức chi phí thấp nhưng đó đã là quy định và tất cả các môn đều thực hiện chứ không riêng môn của mình. “Chúng tôi đã họp công tác trọng tài trước khi giải thi đấu để sáng tỏ các nội dung về tiền công, bữa ăn cung cấp và không có ý kiến nào cho thấy khúc mắc. Văn bản của cuộc họp có chữ ký các bên ghi lại rõ ràng (phóng viên có ghi lại). Nếu có khúc mắc, chắc chắn ngay tại giải đã có các hướng xử lý”.

Một trong những yếu tố muốn gia tăng thu nhập cho trọng tài không ngoài việc các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao phải có nguồn kinh phí xã hội hóa mạnh. Từ đó, nguồn chi cho người cầm cân nảy mực là phù hợp. Mỗi trọng tài làm nhiệm vụ chỉ hưởng chế độ tiền công theo giải theo quy định không quá 5-6 triệu đồng/người/giải tùy theo thời gian thì rất dễ xảy tới câu chuyện sẽ bị phân tâm nếu có một đơn vị nào đó chi trả và móc ngoặc để làm sai chuyên môn khi các cuộc đấu diễn ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn