MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cầu thủ tại giải bóng chuyền nữ quốc tế cúp VTV9 - Bình Điền 2024. Ảnh: Duy Nam

Lương của cầu thủ bóng chuyền cao hay thấp?

HOÀI VIỆT LDO | 03/06/2024 17:47

Cả nước hiện có hơn 30 đơn vị tham gia đầu tư đào tạo chuyên môn bóng chuyền dành cho nam, nữ. Trên mặt bằng chung, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam ghi nhận hai đơn vị bóng chuyền là thuộc 100% do doanh nghiệp quản lý, chi trả lương, thưởng cho huấn luyện viên, cầu thủ là đội nữ Hóa chất Đức Giang Lào Cai và đội nữ Ngân hàng Công thương (Vietinbank).

Lương, thu nhập là điều nhạy cảm

Các đội bóng còn lại do một đơn vị hoặc ngành quản lý trực tiếp. Tuy nhiên, bóng chuyền Việt Nam hướng tới mô hình phát triển chung của bóng chuyền quốc tế là các đội bóng phải tồn tại từ việc tìm tài trợ xã hội hóa để hỗ trợ, đồng hành tạo thêm thu nhập của huấn luyện viên, cầu thủ. Nếu chỉ chờ vào nguồn lực đầu tư có hạn được cấp thường niên, lương, thu nhập của cầu thủ là không cao.

Tiền lương, hay thu nhập là số liệu khó được cầu thủ hay đội bóng nào công bố. Thực tế, đội bóng có nhà tài trợ là có thu nhập ổn định hơn. Năm 2024 này, bóng chuyền nam, nữ của thể thao Hà Nội (thuộc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội quản lý) không có nhà tài trợ.

Cầu thủ chỉ được hưởng lương, chế độ đúng theo quy định. Mỗi cầu thủ có lương chưa quá 5 triệu đồng/tháng. Đó có thể xem là mức lương thấp nhất ở các đội bóng chuyền quốc nội thời điểm hiện tại. Dẫu thế, hiếm khi cầu thủ Hà Nội lên tiếng điều này do họ đang tập luyện, thi đấu vì màu cờ sắc áo thể thao thủ đô. Trên mặt bằng chung, nhiều người của giới chuyên môn từng trao đổi, hai đội bóng có chế độ tốt nhất cho huấn luyện viên, cầu thủ lúc này là đội nam Sanest Khánh Hòa và đội nữ VTV Bình Điền Long An.

Mỗi đội này đều có nguồn lực xã hội hóa mạnh do thế từng đội là điểm đến hấp dẫn của các cầu thủ trong nước. Chủ công Trần Thị Thanh Thúy được cộng đồng mạng chia sẻ là người có thu nhập cao nhất ở đội nữ VTV Bình Điền Long An do được hưởng các khoản lương cao khi đến Nhật Bản và sắp tới là Thổ Nhĩ Kỳ (con số được kháo nhau lên đến cả tỉ đồng).

Tuy nhiên, đơn vị quản lý Thanh Thúy là đội VTV Bình Điền Long An chưa bao giờ công bố chính thức các thông tin về thu nhập hay chi phí chuyển nhượng vì đây là vấn đề cá nhân cũng như rất...nhạy cảm.

Không đảm bảo chế độ khó giữ được quân

Bóng chuyền là môn thể thao đã ban hành Quy chế chuyển nhượng bóng chuyền chuyên nghiệp từ năm 2010. Khi Quy chế trên được ban hành, cầu thủ hay huấn luyện viên có quyền thay đổi đội bóng khi kết thúc hợp đồng với đơn vị cũ. Hoặc kể cả trường hợp, có đội bóng muốn chuyển nhượng cầu thủ vẫn có cơ sở để chi trả chi phí chuyển nhượng theo quy định.

Từ năm 2010 đến nay, bóng chuyền nam, nữ Việt Nam đã chứng kiến nhiều cầu thủ, huấn luyện viên chuyển nhượng ở các đội bóng trong nước. Chuyên gia bóng chuyền Trần Văn Thư khi còn làm việc từng phân tích: “Cầu thủ có Quy chế chuyển nhượng, họ đủ điều kiện để thay đổi đội bóng cho mình trong trường hợp không vi phạm. Cũng thêm vào đó, cầu thủ được thu nhập từ chuyển nhượng dựa trên mức phí lót tay mình mong muốn và phù hợp”.

Nghị định 152/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 7.11.2018 về Quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu là văn bản cơ sở để các đơn vị quản lý thể thao trong cả nước thực hiện các chế độ về lương, thưởng đối cho vận động viên, huấn luyện viên.

Ở Nghị định này mức lương vận động viên đội tuyển quốc gia được nhận là 270.000 đồng/người/ngày; vận động viên đội tuyển trẻ quốc gia: 215.000 đồng/người/ngày; vận động viên đội tuyển ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: 180.000 đồng/người/ngày. Con số tính thực dựa trên số ngày tập luyện, thi đấu chính thức.

Các đội bóng nếu có thêm nguồn từ tài trợ thì cầu thủ được thêm khoản hỗ trợ thu nhập. Bằng không, mức lương cố định chỉ được như vậy. Với các cầu thủ thuộc đội bóng lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an Nhân dân), lương cứng của cầu thủ được tính theo quân hàm hoặc theo mức quy định đối với chiến sĩ (dựa trên từng quy định).

Bóng chuyền Việt Nam đang có 18 đội bóng dự giải vô địch quốc gia 2024. Một số đội không có nhà tài trợ có thể kể đến như Biên Phòng, Hà Nội, Hà Tĩnh, Đà Nẵng. Tổng thư kí Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam – ông Lê Trí Trường từng phân tích, bóng chuyền trong nước chưa đi lên chuyên nghiệp mà mới chỉ hướng đến mô hình bán chuyên nghiệp.

Một số đơn vị xây dựng Công ty cổ phần dịch vụ về thể thao từ đó là đơn vị quản lý đội bóng chuyền. Khi mô hình công ty vận hành, việc đội bóng hoạt động như một doanh nghiệp sẽ phù hợp với bóng chuyền hiện đại đó là tìm nguồn thu, có sự chuyển nhượng phù hợp và có cơ chế lương, thưởng, chế độ bảo hiểm giữa người lao động (cầu thủ, huấn luyện viên) với đơn vị tuyển dụng lao động (đội bóng). Trên hết, muốn có sự bền vững và lâu dài về nhân lực con người, vấn đề chế độ phải được đảm bảo tốt nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn