MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại diện VFF đàm phán với HLV Park Hang-seo. Ảnh: VFF

Miura, Park Hang-seo và chuyện “tầm nhìn” của VFF

ĐĂNG HUỲNH LDO | 02/10/2017 11:02
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã đạt được thoả thuận với HLV Park Hang-seo để trở thành HLV trưởng ĐTQG, đội tuyển U.23 và Olympic. Thêm một thầy ngoại đến Việt Nam trong bối cảnh VFF chuẩn bị Đại hội nhiệm kỳ VIII.

Bài học từ Miura và con đường “Nhật hoá”

Năm 2014, VFF đã chọn HLV Miura ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG. Đây chỉ là một trong rất nhiều sự kiện trong mối quan hệ hợp tác với bóng đá Nhật Bản của lãnh đạo VFF nhiệm kỳ VII. Bởi chính Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản giới thiệu HLV Miura đến Việt Nam theo lời đề nghị của VFF.

Khi trúng cử chức Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII, Chủ tịch Lê Hùng Dũng đã tuyên bố sẽ đưa bóng đá Việt Nam đi theo con đường của bóng đá Nhật Bản. Bởi theo quan điểm của lãnh đạo nhiệm kỳ VII, Nhật Bản và Việt Nam cùng ở Châu Á, có nền văn hoá khá giống nhau nên có thể hoà nhập. Chủ tịch Lê Hùng Dũng giải thích rằng, sự ưu việt và sức mạnh của người Nhật là ở tính kỷ luật, hệ thống, thận trọng nhưng chắc chắn, họ không tiến hành vội vàng nhưng đến một lúc nào đó, lượng sẽ đổi thành chất trên một nền tảng rất vững chắc. Nếu đi theo cách này, chúng ta sẽ xây nhà từ móng đến phần thân và cuối cùng đến phần mái.

HLV Miura không phải là người Nhật duy nhất làm việc với bóng đá Việt Nam. Trước đó đã có HLV Norimatsu Takashi giữ vai trò HLV trưởng tuyển nữ. Chuyên gia Tanaka Koji cũng từng là Trưởng BTC V.League 2014. Xa hơn là chuyên gia Kazuyoshi Tanabe (đã qua đời) từng làm cố vấn cho VPF. Đã có thời điểm mà người Nhật đến Việt Nam và xâm nhập vào đời sống bóng đá khiến cho những người quan sát có cảm tưởng rằng chúng ta đang Nhật hoá thật.

Thế nhưng, tất cả đều lặng lẽ ra đi theo những cách khác nhau. Nói đúng hơn là đều bị sa thải vì một lý do không phù hợp với bóng đá Việt Nam. Điển hình nhất là hai HLV từng dẫn dắt ĐTQG nam và nữ. Thứ triết lý bóng đá thiên về thể lực, cơ bắp, bóng dài, bóng bổng mà cả hai HLV Nhật áp dụng cho thể trạng người Việt Nam là không phù hợp.

Thế nhưng, thất bại của những người Nhật ở Việt Nam không chỉ vì vấn đề chuyên môn mà còn là sự va vấp về văn hoá. HLV Miura là một bài học còn đó để nhắc nhở cho phong cách làm việc, hoà nhập của VFF. Một người Nhật, phong cách Đức đến từ nền văn hoá có tính kỷ luật cao, nền nếp đã không thể hoà nhập được với nền văn hoá vốn quen với chủ nghĩa “tình cảm” và có thể nói là cả sự tuỳ tiện.

Bài phỏng vấn mà HLV Toshiya Miura trả lời kênh truyền hình Jsports vào tháng 10.2014 từng gây “bão” ở Việt Nam là một minh chứng rõ ràng nhất. Ông không chỉ chê cách điều hành, tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia mà còn chứng kiến “văn hoá làm việc” không đúng giờ, nghỉ trưa quá lâu, uống rượu bia của nhân viên VFF hay chuyện “xin cảnh sát” khi tài xế riêng vi phạm luật giao thông.

Khi chiến lược hợp tác với Nhật Bản bị vỡ dần, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng rút lui vào hậu trường vì lý do sức khoẻ, VFF chủ yếu do cấp phó điều hành. Cũng từ đó người ta không còn thấy VFF vạch ra chiến lược rõ ràng cho bóng đá Việt Nam. Sau khi đưa HLV Hữu Thắng lên thay Miura, Ban Chấp hành VFF cũng đã định hướng cho VFF tính hướng nội nhiều hơn chứ không có con đường rõ rệt cụ thể.

Thất bại của HLV Miura và hàng loạt chuyên gia Nhật Bản cũng chính là bi kịch mà VFF nhiệm kỳ VII nhận được với con đường “Nhật hoá”. Bài học được rút ra là học Nhật Bản, làm theo mô hình của bóng đá Nhật Bản không chỉ đơn thuần là đưa những con người từ đất nước Mặt Trời Mọc sang và áp dụng vào một nền văn hoá và tư duy kiểu Việt Nam. Muốn thành công, trước tiên lãnh đạo VFF cần thay đổi tầm nhìn và tư duy bóng đá trước khi lựa chọn và áp dụng các mô hình.

Xứ kim chi, Park Hang-seo và…

Bây giờ, VFF lựa chọn HLV Park Hang-seo làm HLV trưởng ĐTQG trong bối cảnh Đại hội nhiệm kỳ VIII đang chuẩn bị diễn ra. Thực tế, việc chọn một HLV người Hàn Quốc không khiến dư luận bất ngờ. Bởi lẽ, sau giai đoạn thoái trào trong kế hoạch hợp tác với bóng đá Nhật Bản, bóng đá Việt Nam lại có sự chuyển hướng dần dần sang bắt tay với người Hàn Quốc.

Ngay trước thềm V.League 2016, VPF đã tổ chức chuyến “du học” Hàn Quốc để tham quan, học tập mô hình của K.League (giải nhà nghề Hàn Quốc). Đó là chuyến đi được đặt nhiều câu hỏi cho định hướng liên kết với Hàn Quốc trong việc phát triển bóng đá Việt Nam trong tương lai.

VFF cũng đã mở cửa bắt tay với bóng đá Hàn Quốc thông qua các sự kiện quốc tế. Bằng “cái duyên” trong quan hệ quốc tế của mình, Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn đã có những mối quan hệ rất tốt với Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc. Chính điều đó đã tạo ra những sự hợp tác quan trọng. Trong các chuyến tập huấn của ĐT U.22 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 29 tại Hàn Quốc cũng được đài thọ. Hay như chiến dịch dự VCK U.20 Thế giới của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn cũng nhận được sự giúp đỡ tích cực.

Khi danh tính HLV Park Hang-seo được công bố sẽ dẫn dắt ĐT Việt Nam, có thông tin bên lề cho rằng, chính Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc đã giới thiệu cho VFF. Đây là điều không có gì ngạc nhiên với mối quan hệ giữa hai bên hiện nay. Và lý lịch trích ngang của HLV Park Hang-seo đến thời điểm này phần nào cũng đã khiến giới chuyên môn tạm hài lòng.

Thế nhưng, nhìn từ Miura, liệu ông Park Hang-seo và VFF có rút ra được bài học gì? Chắc chắn một người Hàn Quốc đến Việt Nam cũng sẽ mang theo những triết lý bóng đá và cả thứ văn hoá kỷ cương vốn có của đất nước mình. Và điều sẽ quyết định sự thành bại của mối “lương duyên” này chính là sự hoà nhập với môi trường bóng đá Việt Nam và ngược lại.

Hy vọng, chúng ta sẽ không phải nhận thêm những “bi kịch”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn