MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ASIAD 19 tại Trung Quốc hứa hẹn về công tác tổ chức hoành tráng nhưng đồng nghĩa với yếu tố bản quyền truyền hình đắt đỏ. Ảnh: VCG

Mua bản quyền truyền hình ASIAD 19 là bài toán "đầu tư mạo hiểm”?

TAM NGUYÊN LDO | 18/09/2023 20:25

Truyền thông Việt Nam đang nhấn mạnh chuyện khán giả trong nước “nguy cơ” không được xem truyền hình trực tiếp và cổ vũ các đội tuyển tại ASIAD 19 vì chưa có bản quyền truyền hình.

Ngày 23.9, Đại hội thể thao châu Á (ASIAD 19) tại Hàng Châu (Trung Quốc), mới chính thức khai mạc, nhưng từ ngày 19.9, một số môn, trong đó có bóng đá nam, sẽ khởi tranh sớm. Câu chuyện về bản quyền truyền hình sự kiện này đang nóng lên theo từng giờ, nhất là khi đội tuyển Olympic Việt Nam nằm trong số những đội ra sân ở loạt đấu sớm (15h30 ngày 19.9).

Cho đến thời điểm này, chưa có một đài truyền hình nào tại Việt Nam nắm giữ bản quyền truyền hình ASIAD 19. Và khả năng sẽ “không” có nhà đài nào đứng lên “giải cứu” khán giả hâm mộ là rất cao.

Nhớ lại kì ASIAD 18 tại Indonesia cách đây 5 năm, Việt Nam cũng không có đơn vị nào mua được bản quyền trước ngày môn bóng đá của đại hội khởi tranh. Phải đến khi đội Olympic Việt Nam hoàn thành vòng đấu bảng và giành vé đi tiếp, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) với sự hỗ trợ của 2 doanh nghiệp mới mua bản quyền truyền hình sự kiện lớn của thể thao châu lục với giá 1,5 triệu USD (khoảng 36 tỉ đồng).

Kì đại hội năm nay, giá bản quyền được chào mời tới Việt Nam với mức giá lên đến 15 triệu USD - gấp 10 lần so với ASIAD 18 và đương nhiên, đó là một rào cản thực sự lớn với các nhà đài. Thậm chí, cả khi ban tổ chức quyết định giảm giá chỉ còn một nửa (7 triệu USD), vẫn là quá cao cùng một số rào cản khác để nhà đài nào đó quyết định đầu tư.

Đây rõ ràng là một sự đầu tư “mạo hiểm”, bởi câu hỏi đặt ra là, người hâm mộ có “thực sự quan tâm đến ASIAD?”. ASIAD là một đấu trường lớn, nơi các vận động viên hàng đầu của châu Á tham gia tranh tài, nên cơ hội giành huy chương của các vận động viên Việt Nam ở một chỉ số nhỏ nhất định. Đó là lí do Đoàn thể thao Việt Nam chỉ đặt chỉ tiêu không quá 5 huy chương vàng.

Và khi bóng đá là môn được quan tâm nhiều, cũng có những câu hỏi khác để trả lời cho việc mua bản quyền truyền hình có phải là mạo hiểm hay không.

3 linh vật tại ASIAD 19 có tên gọi Congcong, Lianlian, Chenchen. Ảnh: VDG

Thứ nhất, xuất phát từ bản thân đội Olympic Việt Nam, với lứa cầu thủ còn rất trẻ, ít kinh nghiệm thi đấu, không có sự dìu dắt của các đàn anh quá tuổi (chỉ có thủ môn Đỗ Sỹ Huy 25 tuổi) cơ hội tiến sâu là không cao.

Thứ hai, dàn cầu thủ trẻ hiện tại khó có thể sánh được với lứa của những Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường, Tiến Dũng, Văn Hậu… đã làm nên lịch sử tại Indonesia, nên sự kì vọng là không nhiều.

Thứ ba, nếu như năm 2018, việc mua bản quyền muộn được “đền đáp” bằng việc đội Olympic Việt Nam vào đến bán kết, thì năm nay, lặp lại thành tích đó là gần như không thể.

Kể cả khi cơ hội vào vòng 1/8 đã lớn hơn do có 2 đội ở bảng C là U23 Syria và U23 Afghanistan rút lui, giới chuyên môn cũng khó có thể thấy tuyển Olympic Việt Nam hiện tại đủ khả năng gây chấn động.

Vậy thì, mua bản quyền và người hâm mộ chỉ được theo dõi 3-4 trận của Olympic Việt Nam, chẳng phải đó là sự mạo hiểm với nhà đài khi mà việc tìm kiếm nguồn thu để bù lại không đơn giản với các lí do nói trên.

Truyền thông dùng cách diễn đạt “nguy cơ” để nói về việc người hâm mộ không được xem, nhưng với thời đại này, họ biết và biết cách làm thế nào để theo dõi nếu muốn. Đương nhiên rồi, đó là các kênh lậu.

Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đích danh kênh lậu vi phạm nhiều nhất, nhưng thực sự vẫn khó ngăn người hâm mộ tìm đến để thỏa mãn nhu cầu nếu Việt Nam không chính thức sở hữu bản quyền ASIAD.

Trong trường hợp có cách để ngăn các kênh lậu, vẫn có vấn đề đặt ra là, mua bản quyền rồi, chắc gì số lượng người theo dõi sự kiện đã đông đảo?!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn