MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh tượng quen thuộc khi chờ mua vé ở Mỹ Đình

Mua vé online trận Việt Nam - Philippines thất bại: "Khách hàng khác" là ai mà may mắn dữ vậy?

VIỆT HÙNG LDO | 28/11/2018 14:01

Đúng 10h00 sáng ngày 28.11, khoảnh khắc hàng vạn người hâm mộ ví như "giao thừa của bóng đá" đã tới, với sự mong mỏi có một tấm vé xem đội tuyển Việt Nam. Nhưng rồi...

Sau khi Quang Hải và các đồng đội có vé đá bán kết AFF Cup, theo  nhiều nguồn "thông tin vỉa hè", tôi được biết vé sẽ bán vào 9h00 ngày 26.11. Tuy nhiên đến chiều 25.11, thông tin  chính thức đưa ra là thời gian mở bán vào 10h00 ngày 28.11. Vậy là tôi cũng như hàng vạn người có thêm 2 ngày để chuẩn bị.

Nói là chuẩn bị nhưng không phải xếp hàng từ nửa đêm, sáng sớm hay giữ sức, "tích trữ lương thực" để chen chân trong số hàng ngàn người trước sân Mỹ Đình săn vé trận Việt Nam - Malaysia tại vòng bảng.

Chỉ đơn giản là chuẩn bị các thông tin cá nhân và quan trọng nhất là... tinh thần trước cuộc đấu online với hàng vạn người.

Tôi chuẩn bị rất kĩ, một mạng internet khỏe, một bản word có gõ sẵn tất cả các thông tin theo hướng dẫn của VFF. Để đến khi vào đăng kí mua, chỉ cần "copy - paste", như vậy mới tiết kiệm thời gian.

Mọi sự sẵn sàng, từ 9h30 sáng 28.11, tôi đã ngồi đếm ngược từng giây trên trang chủ để đúng 10h00 là tay hoạt động hết công suất. Nhưng đúng 1 phút sau "giờ G", trang bán vé đã "sập" bởi lượng người truy cập quá đông.

Dòng thông báo nhiều người hâm mộ nhìn thấy sáng nay.

Tôi có 3 lần may mắn hơn hàng ngàn người, chắc chắn vậy, vào được đến bước đầu tiên của mua vé. Đó là bước chọn mệnh giá và số lượng. Ban đầu, tôi đặt 4 vé 500.000 đồng nhưng trang báo hết. Tôi chuyển sang mệnh giá 400.000 đồng, trang bán vé lại "sập".

Những lần còn lại, tôi chọn mệnh giá 300.000 đồng rồi 200.000 đồng nhưng tất cả những gì nhận được đều là "mệnh giá bạn đặt mua đã hết số lượng". Như vậy, vé đã hết và khi đó đồng hồ điểm 10h26.

Cảm giác chẳng khác gì những ngày đăng kí tín chỉ khi học đại học, cũng chen chúc, cũng tắc nghẽn nhưng ít ra ngày đó còn được học đúng lớp mình muốn.

Hồi giữa năm, tôi có ý định đi xem ca nhạc ở nước ngoài của một thần tượng yêu thích. Tôi thấy họ làm rất hay và ai cũng tiện trong việc mua.

Nghệ sĩ tôi định đi xem, cô ấy ra album cuối năm 2017 và lên sẵn lịch trình đi diễn toàn thế giới trong năm 2018. Ngay từ tháng 1.2018, tất cả lịch trình đều được công khai trên trang chủ. Tỉ mỉ, chi tiết và minh bạch, đó là những gì tôi nhìn thấy.

Tôi định xem tại Australia, thời gian diễn ra ở Perth vào tháng 11.2018 nhưng từ lúc tôi định mua, vé bán ra sao, chuyển phát như nào, mệnh giá bao nhiêu... đều được niêm yết cụ thể và đã mở bán từ đầu năm. Mọi thứ thanh toán cũng đơn giản, chỉ cần 1 thẻ visa là đủ, vé sẽ được trao tận tay.

                 
Những trận chen chúc mua vé ở sân Mỹ Đình quá quen thuộc với khán giả thủ đô
Ảnh: H.A

Tôi chợt nghĩ, AFF Cup là giải lớn của khu vực, tất cả các trận đấu vòng bảng đá giờ nào, ở đâu đều phải được biết trước hàng tháng trời. Vậy tại sao người hâm mộ chỉ được phép mua trước vài ngày, dẫn đến tình trạng chen chúc, xô lấn ở cửa sân Mỹ Đình? Còn với những người mua vé online, tình cảnh trận Việt Nam - Malaysia hay trận Việt Nam - Philippines cũng không khác nhau là mấy.

Tôi bực vì sốt sắng mấy ngày mới đến lúc ngồi chờ đàng hoàng trước máy tính nhưng chẳng ra đâu vào đâu. Trong dòng trạng thái đăng trên mạng xã hội, một anh bạn của tôi là kĩ thuật "cứng cựa" có chia sẻ một điều mà nhiều người hâm mộ như tôi phải cảm thấy bất lực.

Anh ấy bảo, giờ mà ai biết chút ngón nghề kĩ thuật, viết một vài cái "tool auto" để tự mua, tự điền thông tin. Những "người phàm" như chúng ta, có tài thánh cũng không thể chen được với máy.

VFF mở bán 25.000 vé online trong hôm nay và cho mua tối đa 4 vé/người/lượt, tính ra khoảng hơn 5.000 người mua là cùng. Vậy mà có những người "đang tâm" dùng công cụ công nghệ cao để "ăn gian", bảo sao không tức cho được.

Lại quay về chuyện vé xem ca nhạc nước ngoài, tôi thấy giá vé cũng là điều khiến mọi thứ trở nên lộn xộn. VFF công bố mệnh giá đắt nhất ở khán đài A cũng chỉ tới 500.000đ. Với mức sống hiện nay và nhất là tình yêu dành cho đội tuyển, con số đó quá nhỏ với 1 tấm vé. 

Mỗi tấm vé tôi nhìn thấy khi đặt để xem thần tượng, cũng có giá từ vài triệu đến gần 20 triệu đồng. Tất nhiên, không thể so sánh mức sống của người Việt Nam so với người nước ngoài nhưng thử nghĩ, với những người muốn đầu cơ vé, họ chỉ cần bỏ 2 triệu cho 1 lượt mua 4 vé khán đài A.

Sau đó, họ bán lại sẽ được nhiều hơn con số 2 triệu vài lần. Đầu tư như vậy, vốn bỏ không nhiều, lợi thu về theo cấp số nhân. Phải tôi, tôi cũng làm...

 

Sau gần nửa tiếng lo lắng, hồi hộp và bực bội, tôi lại tắt trang mua vé để quay trở lại làm việc bình thường. Hi vọng ĐT Việt Nam vào đến chung kết để lại có cơ hội sở hữu vé xem Quang Hải, Xuân Trường hay Công Phượng...

À, chợt nhớ lúc đăng ký mua vé, có một dòng thông báo hiện ra: "Hệ thống đang xử lý đơn hàng của những khách hàng khác".

Tự hỏi, những "khách hàng khác" đó là ai mà may mắn dữ vậy?

             

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn