MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người hâm mộ

Lê Vinh LDO | 05/10/2022 06:30
Khi sự hâm mộ vượt ngưỡng, trở thành sự “điên cuồng”, đó là lúc thảm họa xảy ra…

Cuối tuần qua, có 2 sự kiện rất đáng chú ý của bóng đá thế giới, đều được gọi là “thảm họa”, nhưng cách thể hiện của người hâm mộ rất khác nhau. Ở Indonesia, trận đấu giữa Arema FC vs Persebaya Surabaya kết thúc trong khung cảnh hỗn loạn và kết thúc với một thống kê kinh hoàng - 125 người chết, 302 người bị thương nhẹ và 21 người bị thương nặng.

Có nhiều người hướng sự chỉ trích đến cách lực lượng an ninh xử lý tình huống (bắn hơi cay) là nguyên nhân dẫn đến sự hoảng sợ, kéo theo cảnh dẫm đạp lên nhau, thế nhưng, không thể bỏ qua vai trò của các cổ động viên. Một phần trong số họ là nguồn cơn.

Đó là trận derby Đông Java, mà đã là derby, chuyện cổ động viên 2 đội ghét bỏ, thậm chí thù hằn nhau là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng bên cạnh khái niệm cổ động viên, họ còn là “người hâm mộ”, nghĩa là dành tình yêu cho môn thể thao, cho đội bóng.

Hâm mộ không có gì sai cả, nhưng khi để sự hâm mộ vượt ngưỡng, tạo thành những ám ảnh trong suy nghĩ, họ sẵn sàng tự cho mình cái quyền phán quyết tất cả mọi thứ. Đương nhiên, khi chuyện không như ý, họ hành động theo ý mình, bất chấp hậu quả. Và điều đáng sợ hơn là tâm lý đám đông tạo nên sự lan truyền.

Ở đây, không đánh đồng tất cả 40.000 cổ động viên đến xem trận đấu đó đều là những kẻ quá khích, sống theo tư tưởng bất chấp, bởi vẫn còn rất nhiều người yêu thể thao một cách trong sáng, hâm mộ đội bóng theo đúng nghĩa. Họ là nạn nhân của một sự chủ quan nào đó trong đánh giá về vấn đề an ninh. Hậu quả thật tang thương, dù không phải trong chiến tranh.

1 ngày sau, ở nước Anh, “thảm họa” được gắn với người hâm mộ của Manchester United, khi đội nhà thất bại 3-6 trước Manchester City. Họ cũng yêu, cũng hâm mộ, nhưng khi bất lực, họ… bỏ về. Thất vọng với đội nhà hơn là oán trách đối thủ.

Rất nhiều Manucians cũng từng gây náo loạn, biểu tình phản đối giới chủ Mỹ, cũng với lý do “vì yêu đội bóng”. Ở các góc độ khác nhau, điều đó có thể chấp nhận, hoặc không, nhưng để xảy ra sự hỗn loạn, ảnh hưởng đến xã hội, đến những người khác là điều không nên.

Hành xử thế nào sẽ phản ánh mức độ văn minh trong thể thao. Bóng đá, thể thao Việt Nam chưa từng xảy ra tình huống cổ động viên tràn xuống sân gây chuyện như vậy, nhưng ai nói trước được điều gì. Tất cả đều phải rút ra cho mình bài học từ câu chuyện đau lòng ở Indonesia để yêu đẹp hơn, suy nghĩ chín chắn hơn, cẩn trọng hơn và hành động khôn khéo hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn