MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoàn Thể thao Việt Nam tổ chức lễ xuất quân dự ASIAD 19. Ảnh: Bùi Lượng

Người hâm mộ khó xem truyền hình trực tiếp ASIAD 19

HOÀI VIỆT LDO | 18/09/2023 08:11

Tính đến ngày 17.9 (một ngày sau lễ xuất quân của Đoàn Thể thao Việt Nam dự ASIAD 19), chưa đơn vị nào tại Việt Nam công bố sở hữu bản quyền truyền hình của giải đấu này trên lãnh thổ Việt Nam.

Viễn cảnh không được xem trực tiếp bóng đá

Ban tổ chức Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) đã chỉ định Tập đoàn Truyền thông Trung Quốc (CMG) làm đài truyền hình chủ nhà và là đơn vị chịu trách nhiệm phân phối bản quyền ASIAD lần này. Theo chia sẻ từ các nguồn tin, gói bản quyền truyền hình được chào bán trên lãnh thổ Việt Nam có giá khoảng 15 triệu USD.

Đây là một mức giá cao và khi thể thao Việt Nam không có nhiều sự kỳ vọng đạt được nhiều Huy chương Vàng thì rõ ràng bài toán về lợi nhuận phải được các đơn vị cân nhắc nên chưa đơn vị nào (từ các công ty truyền thông, truyền hình cho đến các đài truyền hình, cơ quan báo chí) thông báo cụ thể sở hữu bản quyền truyền hình ASIAD 19.

Hai môn thu hút nhiều nhất người hâm mộ Việt Nam theo dõi là bóng đá và bóng chuyền. Với bóng đá, thể thao Việt Nam dự ASIAD 19 có hai đội gồm Olympic nam và đội tuyển bóng đá nữ quốc gia. Đội bóng đá Olympic nam của Việt Nam đã lên đường tham dự ASIAD 19 vào ngày 16.9, ngày 19.9, đội bóng thi đấu trận đầu tiên. Trong khi đó, việc tiền đạo Huỳnh Như không dự ASIAD 19 là một trong những điều khiến Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam giảm mất sức hút.

Thể thao Việt Nam chỉ đăng ký đội tuyển bóng chuyền nữ tham dự ASIAD 19 ở môn bóng chuyền và may mắn là đội bóng sẽ có sự chú ý của người hâm mộ do cầu thủ Trần Thị Thanh Thúy sẽ thi đấu. Đó là các yếu tố về chuyên môn trong khi với các đơn vị mua bản quyền truyền hình, yếu tố kinh tế mới là điều quyết định nên hay không nên sở hữu và nếu có sở hữu thì phải ở mức giá nào là phù hợp.

Trong lễ xuất quân của Đoàn Thể thao Việt Nam, Trưởng đoàn Đặng Hà Việt cho biết, đấu trường ASIAD là đấu trường quan trọng của châu lục, có nhiều thách thức với thể thao Việt Nam và tất cả nỗ lực phấn đấu giành từ 2-5 Huy chương Vàng. Hẳn nhiên, các đơn vị khó mặn mà bỏ chi phí sở hữu bản quyền truyền hình nếu các cuộc đấu của tuyển thủ Việt Nam ít khả năng tranh được Huy chương Vàng mà chỉ đạt các kết quả Huy chương Bạc hay Huy chương Đồng.

Có mặt tại lễ xuất quân, đại diện Ủy ban Olympic Việt Nam cho biết, “về phí bản quyền truyền hình thì Ủy ban Olympic Việt Nam không phải đơn vị nắm được bởi việc này là hợp đồng về kinh tế giữa các bên. Ban tổ chức ASIAD 19 và Ủy ban Olympic châu Á (OCA) ủy quyền cho đơn vị nắm bản quyền truyền hình và họ làm việc trực tiếp với các đơn vị có nhu cầu sở hữu để đạt được thỏa thuận với nhau...”.

Sức hút khó bằng SEA Games?

Năm nay, thể thao Việt Nam tham dự hai đấu trường lớn và trọng tâm nhất là SEA Games 32 (tháng 5.2023) ở Campuchia và ASIAD 19 (tháng 9, tháng 10) ở Trung Quốc. Mỗi đại hội có tính chất chuyên môn khác nhau nhưng với số đông các quốc gia của khu vực Đông Nam Á, sức hút SEA Games luôn hấp dẫn hơn.

SEA Games 32 vừa qua, ban tổ chức tại Campuchia không thu phí bản quyền truyền hình dù có ý định trên theo kế hoạch ban đầu.

Giá bản quyền truyền hình ASIAD năm 2002 tại Việt Nam có mức phí tượng trưng khoảng 10.000 USD. Tới ASIAD 16 năm 2010 tổ chức ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), gói bản quyền truyền hình bán tại thị trường Việt Nam là 50.000 USD. Bản quyền truyền hình của ASIAD 17 năm 2014 tổ chức tại Incheon (Hàn Quốc) là 200.000 USD (gói phổ thông) và 400.000 USD (gói độc quyền).

5 năm trước, đơn vị cung cấp bản quyền truyền hình ASIAD 18 năm 2018 tổ chức tại Indonesia đã thông báo phí bản quyền là 3 triệu USD (gói độc quyền). Về sau, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) là đơn vị duy nhất ở Việt Nam sở hữu bản quyền truyền hình ASIAD 18 với mức phí đã bỏ ra là khoảng 1,5 triệu USD sau khi có nguồn tài trợ đồng hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn