MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người Mỹ, bóng đá Anh và khoảng cách là cả đại dương…

TAM NGUYÊN LDO | 04/05/2021 21:00

Sự khác biệt giữa những ông chủ người Mỹ và bóng đá Anh lớn như khoảng cách địa lý giữa 2 châu lục...

Các tỉ phú người Mỹ sở hữu nhiều đội thể thao, phần nhiều mang yếu tố kinh doanh hoặc phục vụ thú vui thích sưu tập, chứ không hẳn tình yêu dành cho thể thao. Chính vì thế, không thường thấy những người như Stan Kroenke của Arsenal, John W. Henry của Liverpool hay gia đình Glazer - sở hữu Manchester United, xuất hiện trên khán đài xem thi đấu.

Nhiều người nói rằng, ông chủ Mỹ không thể hiểu tại sao người hâm mộ bóng đá Anh lại quan tâm đến các câu lạc bộ mà họ ủng hộ đến vậy. Cựu Giám đốc điều hành của Man United, Peter Kenyon, hoàn toàn đồng ý với điều đó: “Tôi không tin nhà Glazer thực sự biết bóng đá là gì", ông nói trên The Athletic. “Tôi không chắc những người ở đó biết câu lạc bộ đó là gì".

Chủ nhật (2.5) vừa qua, việc trận đấu giữa Man United và Liverpool bị hoãn vì các cổ động viên biểu tình đã thể hiện rất rõ sự khác biệt giữa tình yêu với thú vui hay chuyện kinh doanh. Họ không hài lòng về cách gia đình Glazer điều hành đội bóng thành công nhất Premier League.

Ước tính từ cảnh sát cho biết, có khoảng 1.000 người đã tràn vào sân Old Trafford trước trận đấu. Trong khi đó, khoảng 200 người tụ tập bên ngoài khách sạn Lowry, nơi đội bóng đang ở, để phản đối nhà Glazer.

Sự bất bình của Manucians ngày càng gia tăng khi Man United là 1 trong 6 câu lạc bộ Anh đăng ký tham gia European Super League (ESL) vào tháng trước. Mặc dù “liên minh 12 đội bóng” (cùng 3 đội ở Tây Ban Nha, 3 đội ở Italia) tan rã rất nhanh sau đó, việc câu lạc bộ tự quyết định mà không có sự tham vấn từ cổ động viên khiến họ muốn giành lại một số quyền kiểm soát. Manucians là những người thể hiện mạnh mẽ nhất…

Ở Arsenal, Liverpool cũng vậy, với những ông chủ Kroenke và Henry. Tại London, người hâm mộ phải chi đến 132 USD chỉ để xem một trận đấu. Những ông chủ quan tâm đến tiền, không phải cảm xúc của người hâm mộ.

Premier League nhận thức rõ vấn đề nhưng hẳn nhiên không thể can thiệp. Nên sau vụ việc của cổ động viên Man United, họ đưa ra tuyên bố mà trong đó, dù “công nhận sức mạnh của cảm xúc và quyền của người hâm mộ được biết những gì đang xảy ra” thì vẫn yêu cầu sự đúng mực: "Chúng tôi cam kết duy trì đối thoại chặt chẽ với cổ động viên và đại diện của họ, khi chúng tôi làm việc với FA và Chính phủ để xác định các giải pháp, nhưng yêu cầu tất cả các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình".

Trên thực tế, sự hòa bình vẫn được thực hiện khi cổ động viên Arsenal tập trung bên ngoài sân Emirates vào mỗi cuối tuần để yêu cầu Kroenke bán cổ phần ở câu lạc bộ. Ông chủ của Pháo thủ, tất nhiên vẫn từ chối.

Tại Liverpool, họ luôn tự hào về mối liên hệ chặt chẽ với người hâm mộ - được biểu trưng bằng khẩu hiệu "Điều này có ý nghĩa hơn", nhưng sau sự việc ở ESL, tình hình đã không còn tốt đẹp. Một lời xin lỗi thống thiết được ông chủ Henry gửi đi nhưng với bóng đá Anh lúc này, họ quá hiểu người Mỹ chẳng mang lại giá trị nào đại diện cho tình yêu và đam mê.

Câc ông chủ người Mỹ đến, đẩy những khoản nợ khổng lồ cho câu lạc bộ, “đè” cổ động viên bằng giá vé cắt cổ, vẫn nhận cổ tức hàng năm, làm lợi cho bản thân mà chẳng đầu tư mấy vào phát triển cơ sở vật chất… đổi lại, Man United hay Arsenal có gì trong nhiều năm qua?

Người Mỹ thấy Premier League là một mỏ vàng để khai thác chứ không phải đầu tư để phát triển cho các câu lạc bộ hay giải đấu. Sự chịu đựng luôn có giới hạn và nếu những ông chủ người Mỹ không thể thu hẹp sự khác biệt bằng khoảng cách của cả một đại dương, khó có thể nói trước chuyện gì tiếp theo…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn