MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giải Tay Ho half marathon 2024. Ảnh: Ban tổ chức

Người tham dự giải chạy marathon thực hiện cam kết ra sao?

HOÀI VIỆT LDO | 17/04/2024 10:48

Các giải chạy có trường hợp có vận động viên tử vong, ngừng tim đang được người trong giới chạy bàn luận khá nhiều.

Chạy là tự nguyện

Thực tế, người tham gia giải chạy đều là tự nguyện. Dựa trên khả năng của mình, từng người sẽ lựa chọn cự ly và giải đấu phù hợp để đăng ký tham dự. Cùng với đó, trong tất cả các giải, ban tổ chức luôn thực hiện cam kết tự từng người chịu trách nhiệm cho bản thân nếu gặp sự cố xảy ra về sức khỏe.

Trong đó, những người tham dự từng giải luôn phải đăng ký xác nhận chi tiết các mục về sức khỏe trong bản đăng ký để nhà tổ chức biết được khả năng tham dự của họ. Nói sơ bộ, người tham dự giải tự nguyện và trách nhiệm khi xảy ra vấn đề sẽ không nằm ở ban tổ chức (do đã có cam kết trong đăng ký).

Các giải marathon hay bán marathon hiện tại ở Việt Nam chủ yếu tổ chức theo các địa phương, đơn vị độc lập làm giải. Ngành thể thao không quản lý, tổ chức các giải đấu marathon phong trào do đó không liên đới trách nhiệm. Tuy nhiên, là đơn vị về chuyên môn, Cục Thể dục Thể thao vẫn có sự theo dõi để nắm bắt việc tổ chức các giải từ đó sẽ có những khuyến cáo đúng theo thẩm quyền.

Việc tổ chức phải an toàn

Theo quy trình, để tổ chức một giải chạy, đơn vị tổ chức phải thực hiện đầy đủ các thủ tục trong các khâu trong đó quan trọng nhất là xin được giấy phép thực hiện giải chạy ở địa phương mà tổ chức. Trong hồ sơ xin cấp phép, các văn bản liên quan đến chuyên môn, an toàn, y tế, kinh phí, nội dung, địa điểm tổ chức và cả dự báo số lượng người tham dự... phải đặt ra chi tiết.

Bản thân Ủy ban An toàn giao thông quốc gia hiện cũng tổ chức giải chạy marathon “Vì an toàn giao thông” với ý nghĩa kêu gọi mọi người tham gia giao thông tuân thủ các quy định và các quy tắc an toàn giao thông bằng các việc làm thiết thực đã được quy định cụ thể: Đã uống rượu bia - không lái xe; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô-tô, xe máy; tuân thủ quy định tốc độ; không dàn hàng ngang, phóng nhanh vượt ẩu; không lạng lách, đánh võng; không sử dụng điện thoại khi lái xe.

Đặc biệt các bậc cha mẹ và người lớn cần nêu gương đối với trẻ em, tuyệt đối không giao xe cho trẻ khi chưa đủ tuổi, bảo đảm trẻ em có đủ các kiến thức và kỹ năng cần thiết trước khi độc lập tham gia giao thông… để mọi người cùng nhau chung tay xây dựng môi trường giao thông Việt Nam ngày càng an toàn, thân thiện hơn.

Từ đó để thấy, việc đảm bảo an toàn cho người tham dự giải chạy luôn phải đặt lên hàng đầu. “Mỗi giải chạy đều có quy định riêng về công tác tổ chức nhưng trên hết, vấn đề đảm bảo y tế, đảm bảo an toàn giao thông là hàng đầu. Tôi cũng được biết hiện tại, một số địa phương đã có những quy định về việc cấm đường theo khung giờ khi tổ chức giải chạy dù thế việc cấm đường cũng được tính toán phù hợp”, chuyên gia điền kinh Dương Đức Thủy từng trao đổi.

Sơ bộ trong một tháng, số giải chạy (gồm marathon, bán marathon) được tổ chức ở Việt Nam trung bình là từ 6 đến 9. Riêng tháng 4.2024, có 16 giải chạy theo các nội dung khác nhau được thông báo tổ chức kéo dài từ đầu đến cuối tháng.

Tháng 5.2024 tới đây, giới chạy bộ trong nước sẽ tiếp tục góp mặt ở nhiều giải đấu tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Quảng Nam, Nha Trang (Khánh Hòa), Quảng Trị, Quy Nhơn.

Theo Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam – ông Nguyễn Mạnh Hùng thì mỗi địa phương đều nỗ lực tổ chức giải chạy nhằm tạo sân chơi về thể thao cho người tham dự cũng như marathon và bán marathon đang là động lực thúc đẩy thêm phát triển du lịch, quảng bá văn hóa địa phương. Dù vậy, công tác tổ chức phải đảm bảo tốt nhất an toàn y tế, an toàn đường chạy sẽ tạo được niềm tin cho người tham dự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn