MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tay vợt Thùy Linh tại Vietnam Open 2023. Ảnh: Thanh Vũ

Nguyễn Thùy Linh sẽ có huấn luyện viên đi theo ở các giải quốc tế

HOÀI VIỆT LDO | 06/03/2024 17:18

Người hâm mộ cầu lông Việt Nam thắc mắc việc Nguyễn Thùy Linh thi đấu các giải quốc tế mà chỉ một mình, vắng huấn luyện viên.

Trên hết là vận động viên

Tay vợt Nguyễn Thùy Linh đang thi đấu các lượt giải ở châu Âu cho mình trong năm mới 2024. Cô đã kết thúc giải đấu tại Đức (giành ngôi á quân đơn nữ) và đang có mặt ở Pháp tiếp tục tranh tài. Sau đó, Thùy Linh còn dự giải tại Anh, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha.

Đại diện bộ môn cầu lông (Cục Thể dục Thể thao) chia sẻ, đúng là Thùy Linh tham dự giải không có huấn luyện viên đi cùng. Các lượt giải tại châu Âu có chi phí rất tốn kém, nên để vận động viên được dự nhiều giải, nếu có thêm huấn luyện viên đi cùng thì chi phí sẽ tăng thêm mà như vậy nguồn lực hiện tại chưa đủ chi trả.

“Đầu năm nay, Thùy Linh đã dự giải tại Ấn Độ, Indonesia và đội tuyển cầu lông Việt Nam đã cử một huấn luyện viên đi cùng Thùy Linh. Thùy Linh tập luyện chuyên môn có huấn luyện viên chứ không phải không có huấn luyện viên. Tay vợt này là tuyển thủ trọng điểm của thể thao Việt Nam nên được đầu tư tốt”, đại diện bộ môn cầu lông cho biết.

Bản thân Thùy Linh cũng đã chia sẻ, để giảm thiểu chi phí nên không có huấn luyện viên đi cùng là điều dễ hiểu. Để chuẩn bị trước mỗi giải đấu, Thùy Linh luôn có trao đổi chuyên môn với ban huấn luyện đội cầu lông tại Việt Nam. Nhà quản lý môn cầu lông khẳng định, sau các lượt giải ở châu Âu, Thùy Linh sẽ dự một số giải quốc tế tiếp theo trong tháng 5.2024, có huấn luyện viên đi cùng cô.

Năm 2016 khi dự Olympic Rio de Janeido (Brazil), chúng ta đã có hai tay vợt góp mặt là Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang. Khi đó, huấn luyện viên cầu lông không đi cùng và Tiến Minh là người trực tiếp chỉ đạo cho Vũ Thị Trang và khi Tiến Minh thi đấu thì Vũ Thị Trang là người ở phía sau mách chuyên môn cho chồng mình.

Cầu lông Việt Nam đang dần tiếp cận với các đấu trường quốc tế nên dù sao, việc ưu tiên cho vận động viên dự nhiều giải quốc tế là phù hợp, nhưng nếu mãi chỉ có vận động viên thi đấu, thiếu huấn luyện viên đi chỉ đạo trực tiếp là bất cập không để kéo dài.

Chiến lược phải đầy đủ

Qua tìm hiểu, môn cầu lông được cấp ngân sách khoảng 85.000 USD ở năm hoạt động 2024 (hơn 2 tỉ đồng). Nếu với kinh phí ấy, chỉ dành riêng cho Nguyễn Thùy Linh dự đủ hết các giải quốc tế trong năm còn chưa đủ. Vì thế, môn cầu lông còn cần thêm nguồn lực xã hội hóa do Liên đoàn cầu lông Việt Nam kêu gọi cũng như các đơn vị chủ quản của tay vợt phối hợp chung tay.

Thùy Linh thi đấu quốc tế có sự kết hợp kinh phí từ Cục Thể dục Thể thao, Liên đoàn cầu lông Việt Nam và đơn vị chủ quản (Đồng Nai) của tay vợt này. Thùy Linh chỉ là một trường hợp cụ thể, cầu lông Việt Nam đang có chiến lược phát triển lâu dài với nhiều tay vợt trẻ trong tương lai gần để ít nhất chúng ta sẽ có con người giành được kết quả cao trong những kỳ SEA Games sắp tới hoặc ít nhất đặt dấu ấn ở châu Á.

Chuyên gia người Indonesia Hariawan Hong đã được mời trở lại Việt Nam từ ngày 1.3. “Ưu tiên trên hết về chuyên môn là chúng tôi tập trung để chuyên gia và ban huấn luyện rèn chuyên môn cho Thùy Linh, Đức Phát, Hải Đăng bởi họ đang trong giai đoạn quan trọng dự giải quốc tế nhằm tích điểm cá nhân để có xếp hạng tốt tranh tấm vé Olympic. Nhưng cầu lông Việt Nam còn tính kế hoạch xa là phát triển cho vận động viên trẻ, chuyên gia là người đồng hành với chiến lược này”, Tổng thư ký Liên đoàn cầu lông Việt Nam - ông Lê Thanh Hà phân tích.

Sau giai đoạn Tiến Minh, cầu lông Việt Nam đang có được thần tượng tiếp theo là Nguyễn Thùy Linh mà người hâm mộ cổ vũ sát sao nhất. Tuy nhiên, người làm chuyên môn không muốn vẫn mãi chỉ ở câu chuyện so bó đũa chọn cột cờ mà phải đào tạo tốt hơn nữa lực lượng dồi dào làm nòng cốt tương lai.

Các tay vợt tốt nhất của cầu lông Việt Nam đang tập luyện tại Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh và chuyên gia Hariawan Hong đã bắt tay vào công việc của mình.

“Trên hết vẫn là nguồn lực đầu tư. Chúng tôi nỗ lực tìm kiếm thêm các nguồn xã hội hóa từ Liên đoàn để người được lợi nhất là vận động viên”, đại diện Liên đoàn cầu lông Việt Nam phân tích thêm.

Hiện tại, một chuyên gia có tên tuổi, trình độ của cầu lông sẽ có mức lương không dưới 10.000 - 15.000 USD/tháng. Đây là chi phí vượt ngưỡng mà cầu lông Việt Nam không thể trả được. Do vậy, chúng ta lựa chọn chuyên gia Hariawan Hong phù hợp về lương cũng như đảm bảo được các yêu cầu làm chiến lược đào tạo dài hơi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn