MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
U23 Việt Nam toàn thắng cả 3 trận vòng bảng ASIAD 18. Ảnh: Đ.Đ

Nhà đài cố mua được bản quyền ASIAD 18 để làm gì nữa?

HOÀI ĐAN LDO | 20/08/2018 18:04
Trước khi U23 Việt Nam thi đấu vòng 1/8, thông tin một đơn vị truyền hình Việt Nam đang đàm phán và có thể sở hữu bản quyền truyền hình ASIAD 18 xuất hiện.

Theo thông tin phát ra, một đơn vị truyền hình Việt Nam đã tiếp cận với đối tác đang nắm giữ bản quyền truyền hình ASIAD 2018. Được biết, quá trình thương lượng giữa 2 bên đang được thực hiện ở Jakarta.

Nếu cuộc đàm phán thành công, khán giả Việt Nam sẽ được theo dõi trận đấu thuộc vòng 1/8 của U23 Việt Nam trên sóng truyền hình vào ngày 23.8. Với gói bản quyền này, các môn thể thao thành tích cao như: Bắn súng, bơi lội, wushu sẽ được lên sóng truyền hình trực tiếp.

Thực tế trong suốt thời gian qua, câu chuyện bản quyền truyền hình “nóng” lên xuất phát chủ yếu từ nhu cầu xem môn bóng đá nam ASIAD với sự tham dự của U23 Việt Nam.

Trong khi thầy trò HLV Park Hang-seo đã thi đấu xong vòng bảng và phía trước sẽ là vòng 1/8, nếu một đơn vị nào đó sở hữu bản quyền truyền hình ASIAD 18 vào thời điểm này sẽ chấp nhận "hên xui" khi có thể chỉ chiếu trực tiếp tối thiểu 1 trận nữa, nếu U23 Việt Nam bị loại. Tất nhiên, với những gì thể hiện, thầy trò HLV Park Hang-seo có thể tái hiện thành công ở vòng chung kết U23 Châu Á 2018 và một lần nữa tạo ra những cơn địa chấn.  

Trong 3 trận đấu đã qua ở vòng bảng của U23 Việt Nam, khán giả phải xem “lậu” và nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có bản quyền thì họ vẫn sẽ tìm cách để xem “lậu”. Còn các đài truyền hình tại Việt Nam đang trở nên mất giá với sự lên ngôi của Facebook và các trang mạng "phát lậu” ASIAD 18

Khán giả bức xúc vì cho rằng, nhà đài sống bằng tiền thuế cần có trách nhiệm với việc phục vụ dân. Thế nhưng, các nhà đài có quan điểm rằng việc giá bản quyền tăng cao nên không thể mua bằng mọi giá. 

Tuy nhiên, một thông tin mới được báo chí tiết lộ, Uỷ ban Olympic Châu Á (OCA) ban đầu chào bán công khai bản quyền ASIAD 18 với giá 500.000 USD (khoảng 11 tỷ đồng). Thế nhưng đã không có nhà đài nào ở Việt Nam nào chớp lấy thời cơ này. Và khi đơn vị KJSM WORLD CORP (Hàn Quốc) sở hữu được gói bản quyền này,  mức giá được đẩy “lên trời”.

Khi “cơn sốt” U23 Việt Nam tiếp tục được đẩy lên cao với thành tích ấn tượng, chính các nhà đài cũng đang nóng ruột. Bây giờ, hiệu ứng đã lan rộng khiến cho các nhà đài rơi vào thế “mua cũng dở, không mua thì cũng dở”.

Thế nhưng một câu hỏi được đặt ra, bây giờ mua bản quyền truyền hình ASIAD 18 để làm gì? Bởi, đây là việc sẽ lại càng khiến các nhà đài nhận thêm “bàn thua” về sự thụ động và thiếu kế hoạch trong việc đưa bản quyền truyền hình ASIAD 18 về Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn