MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhạc hiệu riêng của V.League

LÊ VINH LDO | 05/03/2022 07:31
Một trong những điểm mới của V.League mùa giải 2022 là giải đấu đã có nhạc hiệu riêng.

Tại lễ công bố và ký kết nhà tài trợ V.League hồi đầu tháng 2, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã thông báo rằng, từ mùa giải 2022, các giải đấu chuyên nghiệp trong nước sẽ sử dụng nhạc hiệu riêng. Sau khi đã sử dụng cờ riêng trong các nghi lễ, thủ tục trước mỗi trận đấu, việc có nhạc hiệu riêng là một bước nâng tầm sự chuyên nghiệp, nâng tầm thương hiệu của V.League.

Bản nhạc có tên “Bước chân của rồng” - được sản xuất với sự tham gia của 66 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, đã vang lên trước các trận đấu ở 2 vòng đầu V.League mùa giải này. Cảm nhận chung của nhiều người hâm mộ là rất thích thú, cùng nhiều lời khen và diễn đạt bằng những từ như hào hùng, hoành tráng, ấn tượng, cảm xúc, truyền cảm hứng…

Đó là một thành công của VPF. Tuy vậy, một trong những điểm lưu ý là sau khi nhạc hiệu bật lên trong lúc các cầu thủ đi ra từ đường hầm, 2 đội và khán giả còn tiếp tục làm lễ chào cờ và hát Quốc ca. Ngay lập tức, có ý kiến tranh luận trên mạng xã hội về việc có nên bỏ thủ tục này?

Theo hướng dẫn sử dụng Quốc ca và hát Quốc ca, “Quốc ca nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bao gồm cả nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”. Được sử dụng trong các buổi lễ chào cờ tại các công sở nhà nước, trường học, các nghi lễ sinh hoạt chính trị của đất nước, các đoàn thể, các lễ hội quốc gia, các sự kiện thể thao cấp Nhà nước và Quốc tế…”. Quan điểm cho rằng nên bỏ đưa ra các lý do như “Đã có nhạc hiệu thì không cần thủ tục chào cờ”; “2 đội bóng không đại diện cho Quốc gia”; “Trong đội có những cầu thủ đến từ nhiều nước khác nhau, không có lý do gì lại bắt họ hát Quốc ca nước mình”; “Nhiều giải bóng đá quốc gia ở Châu Âu cũng không dùng”…

Tuy nhiên, quan điểm ngược lại tỏ ra thắng thế với nhiều ý kiến hơn, bởi dù sao đây vẫn là “Giải vô địch quốc gia”, cũng như “nghe Quốc ca mang lại cảm giác hào hùng, tăng thêm khí thế trước trận đấu”, hay “không thể bỏ tính truyền thống” và “không thể nơi nào cũng như nhau”…

Trên thực tế, không có ý kiến nào sai cả, khi không có quy định bắt buộc ban tổ chức phải thực hiện lễ chào cờ. Có bỏ đi khâu này cũng không vấn đề nếu muốn dùng nhạc hiệu riêng. Vấn đề là, tiến hành nghi lễ chào cờ cũng là để giáo dục tinh thần dân tộc cho các cầu thủ, đồng thời để những cầu thủ ngoại thể hiện sự tôn trọng với quốc gia mà họ đang sinh sống, lao động. Và vẫn là điều đặc biệt hơn so với các quốc gia khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn