MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những doanh nhân ở Thường trực VFF khóa VII. Ảnh: MINH TÙNG

Nhìn lại nhiệm kỳ VII VFF: Những doanh nhân thành công hay thất bại?

HOÀI ĐAN LDO | 06/12/2017 14:00
Nhiệm kỳ VII Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ chính thức khép lại khi đại hội VIII diễn ra vào tháng 3.2018. Đến thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”, một câu hỏi được dư luận đặt ra: Các doanh nhân đã ngồi ghế lãnh đạo VFF, thành công hay thất bại?

Chủ tịch Lê Hùng Dũng, bầu Đức đều xin rút

Nhiệm kỳ VII VFF được đặt dấu ấn bằng việc lần đầu tiên, người đứng đầu bộ máy lãnh đạo là một doanh nhân thay vì người Nhà nước như những nhiệm kỳ trước đây. Khi nhậm chức Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 2014-2018, ông Lê Hùng Dũng vẫn đang là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank.

Trước đó, ông Dũng cũng là Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính, và ngân hàng Eximbank cũng là đơn vị tài trợ chính từ năm 2011 đến năm 2014 cho V.League.

Khi ông Dũng trúng cử chức Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII, nhiều người đã hy vọng với việc bóng đá Việt Nam được lãnh đạo bởi một doanh nhân có tầm vào thời điểm đó sẽ mang đến nhiều điều mới mẻ. Đặc biệt là trong việc kêu gọi nguồn lực tài chính cho Liên đoàn.

Cùng với ông Dũng, bầu Đức cũng chính thức tham gia chính trường bóng đá Việt Nam ở nhiệm kỳ VII với chức danh Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính. Cũng chính bầu Đức đã ủng hộ và tuyên bố chỉ ra làm phó nếu ông Dũng trúng cử chức Chủ tịch. Bộ đôi ông bầu quyền lực này được đặt kỳ vọng lớn để đưa bóng đá Việt Nam phát triển, đặc biệt là việc thay đổi trong tư duy quản lý, định hướng cho hợp xu thế, thời đại.

Chủ tịch Lê Hùng Dũng đã tuyên bố sẽ đưa bóng đá Việt Nam đi theo con đường của bóng đá Nhật Bản. Chính việc đưa ra quan điểm hợp tác toàn diện với bóng đá Nhật đã khiến VFF thời điểm đó thu được một số gói tài trợ đến từ các đối tác Nhật Bản. Chính LĐBĐ Nhật Bản đã giới thiệu HLV Miura dẫn dắt ĐTQG và U.23 Việt Nam theo lời đề nghị của VFF.

Bên cạnh đó còn có những người Nhật khác từng làm việc ở Việt Nam là HLV Norimatsu Takashi giữ vai trò HLV trưởng tuyển nữ, chuyên gia Tanaka Koji cũng từng là Trưởng BTC V.League 2014 và trước đó là chuyên gia Kazuyoshi Tanabe từng làm cố vấn cho VPF.

Thế nhưng chỉ mới làm được nửa nhiệm kỳ, Chủ tịch Lê Hùng Dũng đã rút lui vào hậu trường, giao mọi công việc cho cấp phó vì lý do sức khoẻ. Chiến lược “Nhật hoá” cũng tiêu tan khiến người Nhật lần lượt rút lui. Theo những thông tin từ hậu trường, chính ông Dũng cũng đã xin rút từ trước đó nhưng vì không tìm được người thay thế nên đành lui vào “ở ẩn”.

Ông Dũng cùng với Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn còn bị dính vào vụ kiện nhận hối lộ. Dù sau đó phía cơ quan chức năng đã kết luận không có căn cứ, nhưng uy tín của lãnh đạo VFF cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Và khi nhiệm kỳ VII kết thúc, ông Dũng cũng chính thức chia tay bóng đá.

Cũng từ thời điểm đó, bầu Đức cũng không còn “tâm huyết” như ban đầu. Ông thường xuyên vắng mặt ở VFF vì lý do kinh doanh và không trực tiếp tham gia vào công tác quản lý ở VFF. Quyền điều hành và quản lý chính do Phó Chủ tịch Thường trực Trần Quốc Tuấn đảm trách.

Cuộc “thăng tiến” của bầu Tú futsal

Tại Hội nghị BCH LĐBĐ Việt Nam lần thứ III nhiệm kỳ 2014-2018, doanh nhân Trần Anh Tú được bầu làm Uỷ viên Thường trực VFF, phụ trách mảng futsal. Trong suốt quá trình tham gia Thường trực VFF trong vai trò Uỷ viên phụ trách mảng bóng đá futsal, ông Trần Anh Tú không chỉ lo phần lớn kinh phí cho hoạt động của ĐT futsal Việt Nam mà còn vận động tài trợ cho các giải đấu trẻ và bóng đá nữ do VFF tổ chức trong thời gian vừa qua. Thành tích “vàng” ông Tú gặt hái được ở mảng futsal chính là giúp Việt Nam lần đầu tiên dự Futsal World Cup 2016, một kỳ tích lịch sử đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Đại hội cổ đông thường niên VPF nhiệm kỳ III (2017-2020), ông Tú đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay thế ông Võ Quốc Thắng. Đây là bước ngoặt lớn trong việc đưa bầu Tú chính thức dấn thân vào con đường làm bóng đá chuyên nghiệp.

Nhiệm kỳ VII của VFF khép lại với những doanh nhân ở vị trí lãnh đạo VFF có thể phần nào đó chưa thành công ở góc độ quản lý, định hướng cũng như vạch chiến lược cho bóng đá Việt Nam hướng đến lâu dài. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, họ vẫn mang lại thành công (từ futsal của bầu Tú hay đóng góp của bầu Đức). Thế nhưng đó vẫn là những đóng góp mang tính nguồn lực nhiều hơn định hướng chiến lược của tầm cỡ các doanh nhân thành đạt.

VFF ở nhiệm kỳ VIII, nếu lựa chọn doanh nhân tiếp tục cho vị trí chủ tịch chưa hẳn đã là phương án đã được gạt đi. Bởi lẽ, người mới hoàn toàn có thể thành công nếu nhìn ra được những bài học từ nhiệm kỳ VII. Và điều quan trọng là làm sao phải có cái tâm và cái tầm trong bối cảnh bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều điều chưa chuyên nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn