MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh như thế này có thể chỉ còn là dĩ vãng với sân Cẩm Phả và Than Quảng Ninh. Ảnh: H.A

Nhìn vào vòng 11 V.League: Thế bóng đá thực ra là cái gì?

GIANG ANH LDO | 27/07/2020 13:28
Vòng 11 với những câu chuyện độc lạ đã vẽ lên một bức tranh kỳ quái của V.League và bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam.

Từ “khán giả đặc biệt” ở Hàng Đẫy

Sau trận hòa 1-1 như ru ngủ khán giả giữa Viettel và Đà Nẵng, có một hoạt cảnh rất vui xuất hiện trên sân Hàng Đẫy. Bầu Hiển bước xuống sân, các thành viên của Đà Nẵng vây quanh, trong tiếng vỗ tay hoan hỷ và cùng hô vang “quyết tâm, thành công”. 200 triệu đồng cho trận hòa của đội bóng sông Hàn, thêm 20 triệu cho cầu thủ ghi bàn và khi nhận bó hoa cảm ơn từ Hội cổ động viên Đà Nẵng, ông bầu này rút luôn một sấp tiền để tặng.

Bầu Hiển không đứng chức danh nào và không liên quan gì đến Đà Nẵng, trên danh nghĩa cũng chỉ là một cổ động viên đặc biệt. Động viên, rút tiền túi thưởng đội bóng này cũng giống lâu nay, ông xuống sân thưởng nóng cho những Quảng Nam, Sài Gòn… khi gặp Hà Nội.

Bất thường nhưng ở bóng đá Việt Nam, đó lại là điều bình thường. Như thực tế bao năm qua, tất cả đều biết ảnh hưởng của bầu Hiển đến gần một nửa số đội V.League và cả nền bóng đá chấp nhận nghịch lý tréo ngoe này.   

Đến những khán đài tổn thương ở sân Thống Nhất

Trận cầu tiêu điểm của vòng 11 giữa TPHCM và Hà Nội, sân chật kín 4 khán đài. Từ 1 tuần trước, cơn sốt vé xuất hiện và 3 tiếng trước giờ bóng lăn, giá vé chợ đen lên đến gần 1 triệu/chiếc. Lâu lắm rồi, tấm vé bóng đá để qua sân Thống Nhất mới có giá trị đến thế và gần 10 năm kể từ sau thời Xuân Thành Sài Gòn mới có một trận đấu tạo ra không khí, sức hút lớn đến thế.

2 đội bóng mạnh và quy tụ nhiều ngôi sao nhất của bóng đá Việt thời điểm hiện tại, trận đấu diễn ra quyết liệt với chất lượng cao và những diễn biến kịch tính. Thế nhưng rồi nó bị phá hỏng bởi công tác trọng tài, chính xác là các ông Vua sân cỏ lại thành tiêu điểm với những quyết định gây nhức chối. Những quả 11m bị từ chối tạo ra tranh cãi, những bàn thắng không được công nhận bởi việt vị hay không biệt vị, phản ứng và sự uất hận của những người thất bại rồi những câu hỏi nghi ngờ, bất mãn với những người chiến thắng…, thứ còn đọng lại sau một trận cầu đỉnh cao của V.League không phải cái hay cái đẹp của bóng đá lại là tranh cãi và sự tổn thương. Niềm vui, sự hào hứng của hàng ngàn khán giả sở hữu tấm vé vào sân Thống Nhất, cuối cùng biến thành sự thất vọng và một lần nữa sứt mẻ niềm tin vào sự công bằng. Không có những niềm vui, cảm xúc với bóng đá, họ ra về với cảm giác tức tối, nghi hoặc. Và có thể rất đông trong số đó sẽ không có nhu cầu đến sân Thống Nhất nữa.

“Nếu cứ như thế này thì bóng đá Việt Nam sẽ như thế nào sau 10 năm nữa? 20.000 khán giả mua vé đến sân vì điều gì?”, câu hỏi đó của huấn luyện viên Chung Hae-seong, không ai có thể trả lời. “Không cần đá, trao Cúp luôn đi”, phát ngôn đầy sự phẫn uất cùng cử chỉ mang tính xúc phạm của trợ lý ngôn ngữ đội TPHCM hướng về phía khán đài cùng hình ảnh Công Phượng ngồi bất lực bóp nát chai nước sau khi nổi điên phản ứng trên sân và quay cả lên khán đài để hưởng ứng cùng sự kích động của đám đông khán giả, tất cả sẽ còn ám ảnh dài với cuộc chơi mang tên V.League.

Ông Chung Hae-seong “đầu hàng” và nguyên một êkíp xin nghỉ. Một đội bóng được xây dựng với bao tiền bạc, công sức và những kế hoạch to tát cùng bao ước vọng, sau một trận đấu giờ đối diện với biến cố để rồi sẽ phải làm lại. Và những khán đài đông kín cùng bầu không khí lễ hội đáng lẽ là niềm tự hào của bóng đá Việt Nam, sau một trận đấu có lẽ cũng biến mất.

Đến nỗi đau mang tên Than Quảng Ninh

Bị phản bội và chà đạp, đó là cảm giác chung của rất nhiều cổ động viên đất Mỏ, sau câu chuyện “có một không hai” vừa diễn ra ở Than Quảng Ninh. Sau chiến thắng 2-0 trước Sông Lam Nghệ An ở vòng 11, đội bóng quyết định “điều” 3 trụ cột là Fagan, Nghiêm Xuân Tú, Mạc Hồng Quân cho Hải Phòng mượn. Một đội bóng ở nhóm trên, có cơ hội đua tranh thành tích lại cho đi những cầu thủ tốt nhất để giúp tăng cường sức mạnh giúp “hàng xóm” đang lo trụ hạng, thật khó tin nhưng vẫn xảy ra.

5 năm với hàng trăm chuyến đi, bất kể Than Quảng Ninh đá ở đâu cũng có Hội cổ động viên theo chân, tình yêu và niềm tự hào cùng tấm lòng của biết bao con người với bóng đá, mọi thứ bỗng trở nên vô nghĩa sau một quyết định. Những trận đấu bảo nhau cắn răng đá dù mấy tháng không có lương thưởng, bao khó khăn vẫn có thể vượt qua, bao khát vọng cao đẹp mà thầy trò HLV Phan Thanh Hùng hướng đến sau những cố gắng lẫn hy sinh, danh dự và tự trọng của một đội bóng, cuối cùng bị biến thành trò đùa khi ông bầu chọn cách đánh đổi cho cuộc đua liên quan đến một chiếc ghế, đau đớn thay.

Một câu chuyện bi hài với những câu hỏi không thể lý giải, với trường hợp của Than Quảng Ninh. Và từ những tổn thương mà đội bóng này gây ra rồi nhìn quanh V.League, giật mình với câu hỏi: Cuối cùng, bóng đá là cái gì?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn