MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Bố Lương” cùng các VĐV. Ảnh: PV

Những bước chân ngàn dặm

HOÀI VIỆT LDO | 20/11/2017 12:20

Trên đường chạy điền kinh, nhất là đường đua marathon khắc nghiệt, thể thao Việt Nam có những người thầy rất đáng kính trọng mà mỗi khi nhắc đến, các vận động viên đều thể hiện sự yêu thương, trân trọng...

Ngày Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam 20.11 là dịp mọi người hướng về những người thầy, cô đã dạy dỗ, dìu dắt trên bước đường cuộc đời. Với giới thế thao, những HLV chính là những người thầy đáng kính để tất cả VĐV nhớ về.

Người thầy đông con nhất Việt Nam

Nhắc tới marathon Việt Nam, dân điền kinh và thể thao, không ai không biết thầy Bùi Lương. Ngày 20.11 này, ông là người hạnh phúc nhất.

Tuổi ngoài 70, huyền thoại ở đường chạy dài của điền kinh Việt Nam, HLV Bùi Lương vẫn tráng kiện. Ông bảo, chưa muốn dừng chân nghỉ ngơi được, vì vẫn máu huấn luyện và tìm thêm lứa trẻ cho chạy cự ly dài nước nhà. Một lần nữa, tại Giải Điền kinh VĐQG 2017 (diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh) mới đây, HLV Bùi Lương có mặt với hình ảnh quen thuộc - cặm cụi vừa bấm đồng hồ vừa lúi húi ghi thông số của các VĐV sau mỗi vòng vào cuốn vở luôn mang theo.

Khi học trò Hoàng Thị Ngọc Hoa về đích giành HCV, HLV Bùi Lương xúc động rơi nước mắt. “Tôi xúc động và báo điện thoại ngay về cho bà xã ở nhà vì cháu Hoa vô địch rồi” - ông chia sẻ. Các thế hệ học trò từng và chưa từng được HLV Bùi Lương huấn luyện đều rất yêu mến ông. Mến bởi sự ân cần trong huấn luyện, chỉ dậy hết sức cũng như có nghiêm khắc đáng kể. Bởi thế, ông được người trong giới trêu đùa là HLV duy nhất của điền kinh Việt Nam có nhiều con nhất do tất cả VĐV đều quen gọi “bố Lương” khi xưng hô để thể hiện sự yêu thương, kính trọng.

“Mình quan niệm, sức khỏe mang lại tất cả. Nhìn ông già ngoài 70 tuổi thế thôi chứ vẫn đủ sức chạy marathon với đám nhỏ. Tối mình đi ngủ lúc 21h00, sáng 4h00 bắt đầu thức giấc. Mình luôn là người dậy sớm nhất trước các cháu VĐV rồi khi tất cả tập trung lúc 5h00 là chương trình chỉ bước vào huấn luyện...” - “bố” Lương chia sẻ.

Người đưa đò và tìm ngọc

“Tôi làm ở Bình Phước, lúc này may mắn được các anh lãnh đạo tạo điều kiện. Ở đây chưa có được sự mạnh mẽ như các địa phương lớn, nhưng chúng tôi cố gắng rèn luyện từng cháu một để theo nghiệp marathon. Vấn đề là ở tâm lý và tâm tưởng VĐV thôi” - HLV Bùi Lương cười cho biết.

Quả thật, HLV Bùi Lương là người mát tay huấn luyện. Về với Bình Phước, 4 năm trở lại đây, qua tay ông đã có những Lâm Thị Thúy, Hoàng Nguyên Thanh từng giành huy chương cao nhất tại giải VĐQG, giải việt dã toàn quốc. Khi họ nghỉ, lúc này, cô gái trẻ Hoàng Thị Ngọc Hoa (SN 2000) lại tiếp tục gặt HCV. “Mọi người nói, HLV nam đi huấn luyện nữ, nhất là trong môn marathon khắc nghiệt sẽ có khó khăn. Ngày đầu tôi huấn luyện thấy khó thật, nhưng sau quen và thầy trò đặt chuyên môn lên trên hết nên không ngại gì cả” - HLV Bùi Lương nói thêm.

“Chuẩn bị bứt đi; Chạy tăng tốc đi; bám sát thêm vào; nhớ tiếp nước...” - luôn là điều “bố” Lương quát đầy mạnh mẽ ngay trên đường chạy và nó như hiệu lệnh hướng dẫn cho VĐV hiểu chiến thuật hiệu quả nhất lúc cần bung sức. Sau những chiến thắng, khi học trò được báo giới vây quanh hỏi han phỏng vấn, ở một góc phía sau người ta thấy ông nhoẻn miệng cười hạnh phúc rồi thi thoảng nhai nốt miếng bánh mỳ còn dở chưa kịp ăn.

Và sự hy sinh thầm lặng của người thầy

Ngoài HLV Bùi Lương, lúc này Điền kinh Việt Nam đã có thêm những HLV tiếp bước ông trên nghiệp huấn luyện marathon. Người chịu áp lực nhất trước khi các VĐV marathon của Việt Nam thi đấu tại SEA Games 29 - 2017 vừa qua là HLV phụ trách trực tiếp - ông Nguyễn Tuấn Viết.

Khi cô học trò Hoàng Thị Thanh về đích thứ nhì tại SEA Games 29, ông Viết buồn nhưng phải kìm lòng tiếp tục động viên học trò chờ thêm cơ hội khác. Nếu VĐV các tổ, nhóm khác của tuyển điền kinh Việt Nam được tập tại Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia thì marathon phải phụ thuộc vào đường chạy cự ly dài hơn 40km nên thầy và trò nội dung này luôn phải ở xa. Với tuyển Việt Nam, điểm tập quen thuộc được ấn định là tại Ba Vì (Hà Nội).

Ông Viết từng chia sẻ, trong giai đoạn tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 29, ông cùng các học trò (cả nam, nữ) đã được bố trí thuê nhà dân ở và tự nấu cơm sinh hoạt để thuận tiện nhất do tại Ba Vì (Hà Nội) không có trung tâm huấn luyện thể thao chuyên biệt nào. Trong tập luyện, trò mệt một thì thầy mệt tương đối vì marathon là đường chạy dài hơi và đều đặn, hằng ngày VĐV phải chạy hơn 40km. HLV không thể ngồi một chỗ quan sát, ông Viết cũng phải song hành với học trò thì mới điều chỉnh tốc độ đúng nhất cho chiến thuật.

HLV Nguyễn Tuấn Viết cùng các VĐV Thế Anh, Hoàng Thị Thanh, Lê Thị Thoa đều thuộc đơn vị thể thao Biên phòng nên cảm thông với đặc thù của công việc, lãnh đạo đơn vị luôn làm công tác tư tưởng với hậu phương của HLV Nguyễn Tuấn Viết mong gia đình chia sẻ, cùng động viên HLV này làm việc khi thường xuyên phải xa vợ con. Lúc này, ông Viết cùng học trò Lê Thị Thoa đang tập huấn tại Trung Quốc để tới đây thi đấu Giải Marathon Vô địch Châu Á 2017.

Hiện nay, một số cựu VĐV như Phạm Đình Khánh Đoan (Khánh Hòa), Phạm Thị Bình (Quảng Ngãi) cũng đang huấn luyện VĐV marathon ở địa phương. Họ đã bắt đầu có thành quả đầu tiên là lứa VĐV trẻ triển vọng chạy đầy nhiệt huyết như chính mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn