MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
U23 Thái Lan gây ấn tượng với trận thắng U23 Iraq. Ảnh: U23 Asian Cup

Những điểm nhấn đầu tiên từ giải U23 châu Á 2024

TAM NGUYÊN LDO | 18/04/2024 06:41

Mới chỉ qua những trận đấu đầu tiên của vòng bảng giải U23 châu Á 2024 nhưng đã có những điểm nhấn đáng chú ý.

Trẻ vẫn chỉ là… trẻ

Giải U23 châu Á đã khởi tranh từ ngày 15.4 vừa qua và tính đến trước 2 trận đấu của bảng D diễn ra vào tối muộn 17.4, đã có 6 trận đấu ở các bảng A, B, C. Thường thì đa phần giới chuyên môn và người hâm mộ vẫn đưa ra một hệ quy chiếu rằng, một nền bóng đá có đội tuyển quốc gia mạnh đồng nghĩa với đội trẻ mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế, điều đó chỉ mang tính tương đối.

Theo dõi nhiều sự kiện bóng đá trẻ từ cấp độ thế giới cho đến các châu lục, các khu vực, một kết luận được rút ra trong nhiều năm qua là nền bóng đá mạnh không chắc lúc nào cũng có đội trẻ mạnh. Hay nói một cách khác, sân chơi dành cho lứa trẻ tiềm ẩn nhiều điều, nhiều kết quả, sẽ được đánh giá là “bất ngờ” hoặc “sốc” nếu dựa theo hệ quy chiếu là đội tuyển quốc gia.

Vậy nên mới có chuyện những đội trẻ từ các quốc gia như Bỉ, Vương quốc Anh, Uruguay, Thụy Điển, Hungary, Ba Lan, Tiệp Khắc (cũ), Nigeria, Cameroon, Nigeria, Mexico từng vô địch Olympic, thậm chí có quốc gia còn nhiều hơn Brazil hay Argentina. Hay ở giải U21 châu Âu, các đội của Serbia, Cộng hòa Czech, Thụy Điển cũng từng vô địch bên cạnh các nền bóng đá lớn của khu vực. Và tại giải U23 châu Á, sau 5 lần tổ chức là 5 đội vô địch, trong đó, Uzbekistan vốn không phải là nền bóng đá có đội tuyển quốc gia nằm trong Top dẫn đầu châu lục. Thậm chí, U23 Việt Nam cũng từng vào đến chung kết (năm 2018).

Vậy nên, khi U23 Australia bị U23 Jordan cầm hòa 0-0, U23 Nhật Bản và U23 Hàn Quốc chỉ thắng tối thiểu trước U23 Trung Quốc và U23 UAE, rồi U23 Thái Lan thắng U23 Iraq thì cũng không phải là quá bất ngờ với lứa trẻ.

Nhưng trẻ cũng… học đòi tính xấu

Thứ làm cho người ta bất ngờ là thái độ và cách lựa chọn chơi tiểu xảo của các cầu thủ trẻ ở những trận vừa qua. Chỉ sau 6 trận đấu, có đến 5 thẻ đỏ được rút ra cho các cầu thủ. Có thẻ đỏ trực tiếp, có thẻ đỏ gián tiếp, nhưng cái cách cầu thủ của U23 Indonesia, U23 Nhật Bản vung cùi chỏ vào mặt đối phương rõ ràng là điều không thể chấp nhận. Bên cạnh đó là những pha vào bóng quyết liệt, đầy tính tiểu xảo không nên có ở các cầu thủ trẻ.

Cũng như U23 Việt Nam, hẳn nhiên, các đội đã được phổ biến chuyện giải đấu này có áp dụng VAR, nhưng có vẻ như “tuổi trẻ không biết sợ”.
Những động tác thừa có chủ đích vẫn xuất hiện như một lời thách thức với Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Chưa thấy AFC có thông báo nào phát đi về vấn đề này.

Học từ Thái Lan

Sau khi chứng kiến U23 Thái Lan thắng U23 Iraq, có lẽ, sẽ có thêm rất nhiều người thừa nhận rằng, bóng đá Việt Nam thực sự vẫn không thể sánh được với đối thủ trong khu vực Đông Nam Á về cách làm bóng đá. Điều đó xuất phát từ hệ thống đã được dựng nên, tạo điều kiện cho lứa trẻ. Thậm chí, việc đào tạo cầu thủ theo hướng nào cũng gần như có sự đồng nhất.

Bóng đá Việt Nam vẫn chưa làm được điều đó. Và sẽ không thể làm được điều đó trong một thời gian dài nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn