MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ đã có buổi làm việc với các cầu thủ sau khi đội bóng được chuyển giao. Ảnh: T.P

Những khoản nợ khó đòi của cầu thủ đội Cần Thơ

An Nguyên LDO | 01/10/2022 06:30

Dù đã có đơn vị nhận tiếp quản nhưng vẫn có nhiều khoản nợ mà cầu thủ và đối tác của câu lạc bộ Cần Thơ rất khó đòi.

Bất đồng trong chuyển giao

“Tất cả nghĩa vụ tài chính từ ngày 19.9 trở về trước do tập đoàn Tây Đô chịu trách nhiệm, còn từ ngày 20.9 sẽ do bên phía thành phố Cần Thơ chịu trách nhiệm. Đây là điều kiện bắt buộc để Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) để có thể chấp nhận việc chuyển giao. Sau đó, có một biên bản cuộc họp cầu thủ sẽ cam kết nhận lương tháng 8, 9, 10 và đá đến hết giải”, ông Lê Minh Dũng - cựu giám đốc điều hành câu lạc bộ Cần Thơ trao đổi với Lao Động.

Theo biên bản cuộc họp giữa đại diện Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ với các thành viên câu lạc bộ Cần Thơ, Trung tâm Thể dục Thể thao TP.Cần Thơ sẽ chi trả lương 3 tháng từ tháng 8 đến hết tháng 10, tiền ăn và các chế độ khác theo quy định từ ngày 20.9.

Văn bản nêu rõ quyền lợi và chế độ trong giai đoạn từ ngày 19.9 trở về trước sẽ do Công ty Cổ phần Tây Đô Group chịu trách nhiệm chi trả. Các khoản tiền bị nợ là tiền thưởng cho các trận thắng, một số khoản tiền ăn, sinh hoạt, phí lót tay đợt 2. Điều này khiến các cầu thủ khó lòng chấp nhận.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh - người thường xuyên bảo vệ các thân chủ trong vụ kiện ở lĩnh vực thể thao nói: “Có một số điều không rõ ràng. Vừa có điều khoản kế thừa toàn bộ nghĩa vụ nhưng vẫn có điều khoản chỉ thanh toán các khoản tiền từ ngày 20.9. Cái dở của Tây Đô là khi chuyển giao cho nhà nước thì phải quy định rõ trách nhiệm của mình và của bên nhận chuyển giao là đâu. Nếu cứ chung chung thì rất khó cho cầu thủ. 

Khi ấy cần phải họp 3 bên là bên nhận chuyển giao, bên chuyển giao và cầu thủ. Ở đây, 2 bên âm thầm chuyển giao và cầu thủ không biết. Đến khi tiến hành cuộc họp với cầu thủ thì mới yêu cầu họ là liên hệ Tây Đô thì như đánh đố cầu thủ”.

Nợ… khó đòi

“Tôi rất buồn khi tôi trao đổi với cầu thủ thì nhiều người lo lắng mình sẽ mất trắng những khoản tiền lớn. Chưa kể, trong đội có một bạn bị chấn thương phải tự bỏ tiền ra điều trị trước rồi khi về làm đề xuất thanh toán nhưng giờ cũng không được thanh toán”, ông Lê Minh Dũng buồn bã.

Thực tế, lo lắng của ông Dũng và nhiều cầu thủ Cần Thơ là điều dễ hiểu. Đến nay, những khoản tiền như tiền ăn, tiền thưởng các trận thắng và đặc biệt là tiền lót tay vẫn “bặt vô âm tín”.

Trong lịch sử bóng đá Việt Nam có quá nhiều trường hợp lãnh đạo đội bóng, nhà tài trợ “phủi tay” và cầu thủ là người chịu thiệt, mất trắng số tiền nhiều tỉ đồng.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh phân tích: “Hiện tại, nhân viên, cầu thủ ký hợp đồng với công ty Tây Đô mà mà ông Đắc Văn là đại diện. Nếu không có sự kế thừa quyền và nghĩa vụ thì Tây Đô sẽ phải chịu trách nhiệm về khoản tiền nợ, nhưng khả năng thi hành án của họ thấp. Nếu Công ty Tây Đô chỉ quản lý đội bóng mà không có chức năng kinh doanh khác, cổ đông không góp vốn nữa thì không có tiền thi hành án. Cầu thủ thắng kiện thì khả năng thi hành án không cao.

Nhưng khi bên nhận chuyển giao câu lạc bộ Cần Thơ thì Trung tâm phải có trách nhiệm. Nếu không thì VFF phải có biện pháp can thiệp để đảm bảo quyền lợi người lao động. Trường hợp của Cần Thơ khác với Than Quảng Ninh. Đội bóng Than Quảng Ninh không chuyển giao cho ai mà dừng hoạt động luôn. Ở đây, Cần Thơ vẫn tiếp tục chuyển giao cho đơn vị mới”.

Theo luật sư này, nếu đưa ra tranh chấp về dân sự, toà sẽ mời công ty Tây Đô, Trung tâm Thể dục Thể thao thành phố Cần Thơ là đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan. Lúc đó, cả 2 bên có trách nhiệm liên đới. Nếu họ nhận chuyển giao thì phải kế thừa cả quyền và nghĩa vụ. Nhưng nó phải phụ thuộc vào điều khoản khi ký hợp đồng chuyển giao.

“Nếu kiện sẽ kiện nơi mình ký hợp đồng. Nếu đưa ra VFF, sẽ phải yêu cầu bên nhận chuyển giao chịu trách nhiệm các khoản tiền còn thiếu. Tôi xin nhắc lại là phải phụ thuộc vào điều khoản ký hợp đồng”, ông Chánh chốt lại.

Trao đổi với Lao Động, một cầu thủ Cần Thơ chia sẻ: “Sau khi đội bóng chuyển giao và có cuộc gặp với lãnh đạo Sở, hiện tại, chúng tôi đã nhận được tiền lương trước đó bị nợ. Tuy nhiên, một số khoản khác như phí lót tay, tiền ăn, tiền thưởng các trận thắng thì không có. Anh em cầu thủ bây giờ cũng không biết gặp ai, đơn vị nào để hỏi về vấn đề này. Giờ thì lực bất tòng tâm rồi, chỉ biết tập, thi đấu và lấy tạm lương để trang trải cuộc sống”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn