MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những tranh cãi về VAR: Trả lại đây bóng đá của ngày xưa...

TAM NGUYÊN LDO | 13/10/2021 20:00

Từ Châu Âu tới Châu Á, VAR đang làm cho sự minh bạch trong bóng đá trở nên mông lung như một trò đùa…

Câu chuyện vì sao Công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) hình thành có lẽ không cần nhắc lại nữa. Thời điểm này, có lẽ là đã qua một thời gian đủ để bắt đầu đánh giá lại sự có mặt của “anh bạn” VAR này trong bóng đá.

VAR được đưa vào để giải quyết những tranh cãi, điều đó hợp lý, bởi với sự hiện đại về công nghệ như hiện nay, việc để tồn tại “những bàn thắng ma” thực sự là có lỗi. Nhưng khi đã là một quá trình thì không chỉ dừng lại ở việc áp dụng đơn thuần. Đó còn là chuyện “phát triển” nữa.

Phát triển thế nào thì dường như VAR đang chệch hướng. Cần nói ngay rằng, việc chệch hướng lại không do VAR quyết định mà bởi sự can thiệp của ý chí con người - ở đây là các trọng tài.

Vẫn biết rằng, trong quá trình phát triển một điều mới mẻ, việc “vừa đi, vừa sửa” là điều cần thiết. Nhưng thay vì điều chỉnh cho hoàn thiện, việc sửa thành… lợn què đang là tình trạng hiện nay. Ngoài những vấn đề cụ thể được làm rõ như chuyện liên quan đến bàn thắng đi qua vạch vôi hay chưa, những mong muốn về tính minh bạch, công bằng lại trở thành sự mờ mịt, bối rối và mông lung như trò đùa.

Rồi trong quá trình “phát triển”, không thể không có những khái niệm liên quan đến các lỗi. Ví dụ tay có làm “phình to cơ thể hay không”, hay hướng di chuyển có “tự nhiên” hay không… Trong một thế giới mà các cầu thủ phải biến mình thành “diễn viên” trên sàn đấu, người phán quyết lại vẫn là trọng tài thì đương nhiên, phạt hay không phạt phụ thuộc vào ý chí của Vua áo đen.

Thật không may, VAR đang dẫn dắt phần lớn các trọng tài đến tình trạng phụ thuộc mà bỏ qua rất nhiều sự cảm nhận của chính mình về trận đấu. Xem một trọng tài “sống với trận đấu” khác hoàn toàn với trọng tài “không muốn phạm phải sai lầm” và cũng “không quyết đoán khi VAR còn đó”.

Khi đã dùng đến VAR, đương nhiên là việc xử lý phải theo luật. Nhưng ngay cả luật giờ đây cũng không đúng cho tất cả các tình huống tương tự nhau.

Chẳng hạn như việt vị, gần đây, các trọng tài biên vẫn để cho tình huống bóng tiếp tục, các cầu thủ vẫn tranh chấp cho đến khi cầu thủ tấn công dứt điểm hoặc hậu vệ phá được thì mới phất cờ. Nhưng ở trận chung kết Nations League giữa đội tuyển Tây Ban Nha và đội tuyển Pháp, Kylian Mbappe thoát xuống trong thế việt vị, trung vệ Eric Garcia có động tác xoạc nhưng không đủ lực tác động để phá bóng, tiền đạo câu lạc bộ Paris St Germain nhận bóng và ghi bàn.

Trọng tài công nhận bàn thắng đó trong sự bối rối của tất cả, còn Garcia thì đặt câu hỏi: “Tôi phải làm gì? Đứng tránh sang một bên hay sao?”.

Hay như chuyện xảy ra ở trận đấu của đội tuyển Việt Nam trên sân Oman tại vòng loại World Cup 2022 mới đây mà không cần nhắc lại, ai là người giải đáp cho những tranh cãi?

VAR để giúp giảm bớt những tranh cãi nhưng rốt cuộc đâu thể giải quyết hết vấn đề. Chẳng khác nào đánh bùn sang ao, chuyển từ dạng tranh cãi này sang dạng tranh cãi khác…

Bóng đá cũng như các môn thể thao khác, tính cạnh tranh không thể tránh khỏi tranh cãi. Nhưng tranh cãi vì những sai lầm mang tính “người” còn dễ chịu và dễ chấp nhận hơn là có công nghệ hỗ trợ mà vẫn tranh cãi. Có nên đòi về thứ bóng đá đầy cảm xúc của ngày xưa?

Khi xác định bàn thắng đi qua vạch vôi hay chưa thì khoảng cách chỉ bằng sợi tóc cũng là quan trọng, nhưng với lỗi việt vị, liệu có cần chi li đến mức cân đo, đong đếm trong ngày mà cầu thủ quên… cắt tóc hay không?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn