MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
HLV Nguyễn Thị Nhung được người hâm mộ đón chào tại sân bay. Ảnh: H.A

Niềm tự hào và lá cờ đầu

Dũng Tâ LDO | 14/06/2017 06:29
Trong danh sách gần 400 điển hình tiên tiến được tuyên dương trong năm 2017, thể thao Việt vinh dự có 2 gương mặt được vinh danh: Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và HLV Nguyễn Thị Nhung của môn bắn súng. Đó thực sự là niềm tự hào của ngành thể thao.

Sau 11 năm giữ trọng trách, HLV Nguyễn Thị Nhung đã cùng bắn súng Việt Nam tạo nên kỳ tích lịch sử khi dẫn dắt Hoàng Xuân Vinh đoạt HCV, lập kỷ lục Olympic. Vị HLV trưởng vừa trở thành Tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam đang là lá cờ đầu để dẫn dắt môn thể thao mũi nhọn này bước vào một cuộc chinh phục mới với mục tiêu và những thử thách lớn hơn…

“Giấu nước mắt vào những chiếc vỏ đạn”

Sinh năm 1965, Nguyễn Thị Nhung từng là nhà VĐQG tuyệt đối ở nội dung 25m súng ngắn ổ quay. Nhưng mới 22 tuổi, tài năng này đã phải rơi nước mắt chia tay sự nghiệp vì một lý do hy hữu: Nội dung 25m ổ quay bị Liên đoàn bắn súng thế giới loại khỏi danh sách.

Tái xuất với đam mê bắn súng sau một thời gian dài, năm 41 tuổi, bà Nhung được giao phó trọng trách HLV trưởng ĐTQG trong sự ngờ vực của nhiều người, kể cả dân chuyên môn. Và người phụ nữ rắn rỏi ấy lao vào làm việc mê mải, với một giấc mơ cháy bỏng từng bị cho là “nói cho có”: Huy chương Olympic.

Rất đặc biệt, vì đến Olympic 2016, Nguyễn Thị Nhung là HLV Việt Nam duy nhất 3 lần liên tiếp dẫn quân dự tranh sân chơi tầm cỡ này. Trong số các học trò, Hoàng Xuân Vinh gắn bó với HLV Nguyễn Thị Nhung nhất, và chính bà Nhung là người đau buồn hơn cả tuyển thủ quốc gia này, khi chứng kiến anh vuột HCV ASIAD 2010 vì để súng cướp cò ở viên đạn cuối, hay mất huy chương Olympic 2012 khi thua đối thủ xếp thứ 3 chỉ 0,1 điểm.

Ở cả 2 lần đó, dù trào nước mắt nhưng vị HLV này vẫn nuốt vào trong để làm chỗ dựa cho các học trò. Bà vẫn tươi tỉnh để động viên Xuân Vinh và quan trọng hơn là trực tiếp đứng ra bảo vệ học trò trước truyền thông đang bỗng dưng coi anh như một “tội đồ” vì không thành công. Như chia sẻ của bà Nhung, 2 cô trò đã phải “giấu nước mắt và ước mơ vào những chiếc vỏ đạn”.

Thay đổi “định mệnh”

Sau những cú ngã quá đau, Xuân Vinh từng có thời điểm hoang mang và nản chí. Chính lúc ấy, bà Nhung đã thể hiện rõ hơn bao giờ hết vai trò, năng lực của một người thầy để không chỉ giúp xạ thủ này sớm lấy lại được thăng bằng, động lực mà còn tìm ra cách thức để thay đổi mình, nhất là khắc phục điểm yếu tâm lý. Chính khẩu quyết “Tôi là VĐV giành huy chương Olympic” mà Vinh hô to trước mỗi buổi tập trong suốt 4 năm là gợi ý của bà. Hay cách Vinh tập đứng im tại chỗ, không nói và không cử động trong suốt 2 tiếng mỗi ngày suốt 1 năm ròng để rèn luyện ý chí, sự ổn định tâm lý cũng là phương pháp mà HLV đưa ra.

Rất quan trọng, chính HLV Nguyễn Thị Nhung đã đấu tranh quyết liệt, thay đổi hẳn cách đầu tư trọng điểm để dành gần nửa trong tổng kinh phí 200.000 USD của cả môn bắn súng trong năm cho Vinh cùng một vài đồng đội ở tổ súng ngắn. Nhờ thế, mỗi năm Xuân Vinh có thể sang Hàn Quốc tập huấn nhiều đợt, thi đấu từ 7-10 giải quốc tế. Và thành quả cuối cùng là chiến công lịch sử tại Olympic Rio 2016.

Nhìn lại hành trình 11 năm, ngoài “người hùng” Xuân Vinh, bắn súng Việt Nam cũng đã đột phá thực sự với dấu ấn rõ nét của nữ thuyền trưởng này. Bất chấp điều kiện khó khăn, bắn súng Việt Nam từ chỗ chỉ có thể duy trì thành tích khu vực đã từng bước vươn lên tầm châu lục, tiếp cận với thế giới. Và HLV Nguyễn Thị Nhung được đánh giá không chỉ giỏi chuyên môn mà còn rất toàn năng, nổi bật ở khả năng quản lý tổ chức, đối ngoại.

“Quý bà thể thao” và mục tiêu lớn của tân Tổng thư ký

Nếu gặp HLV Nguyễn Thị Nhung ngoài đời, nhiều người phải thay đổi hẳn cách nhìn về các HLV vốn đa phần chỉ quen và tập trung cho chuyên môn. Người phụ nữ 52 tuổi này trẻ hơn nhiều so với tuổi, ăn mặc rất có gu, biết dùng hàng hiệu, giao tiếp giỏi… Chẳng thế mà mỗi khi dẫn quân dự giải quốc tế, vị HLV duyên dáng, hấp dẫn luôn trở thành tâm điểm.

Ngay sau một kỳ Olympic lịch sử, với sự tự tin và khát vọng chiến thắng, HLV Nguyễn Thị Nhung lại tiếp tục bắt tay vào những kế hoạch cho cái đích lớn và dài hơi. Đó là việc chinh phục một tấm HCV ASIAD 2018 mà bắn súng Việt Nam còn thiếu và xa hơn là khả năng tranh chấp huy chương thường xuyên tại các kỳ Olympic. Trong tính toán của bà Nhung, không thể chỉ trông cả vào Xuân Vinh, bắn súng Việt Nam còn phải nhắm đến những Quốc Cường, Minh Thành… để tập trung đầu tư.

Tại Đại hội khóa mới của Liên đoàn Bắn súng Việt Nam, bà Nhung được tín nhiệm tuyệt đối làm Tổng thư ký với nhiều kỳ vọng và cả thách thức lớn. Vị Tân Tổng thư ký hiểu hơn ai hết những khó khăn của bắn súng Việt Nam không hề ngán ngại, bởi có niềm tin vào bản thân lẫn tiềm năng của bắn súng Việt Nam, nhất là sau cú hích Xuân Vinh. Trên thực tế, mới chỉ qua nửa năm, hoạt động của Liên đoàn bắn súng dưới sự dẫn dắt của Tổng thư ký Nguyễn Thị Nhưng đã có những khởi sắc thực sự, rõ nhất là việc huy động được các nguồn lực xã hội để kiếm tiền tỉ cũng như sự quan tâm của dư luận xã hội, khán giả với bộ môn bắn súng.

Hoàng Xuân Vinh chia sẻ, nếu không có HLV Nguyễn Thị Nhung thì không thể có thành công. Ngày xạ thủ này lập kỳ tích tại Olympic Rio, bà Nhung bật khóc nức nở, với những giọt nước mắt tuôn trào, cho niềm vui sướng, tự hào và cả sự giải tỏa khi nghe học trò nói về mình với tất cả sự trân trọng: “Trước viên đạn cuối, tôi nhớ đến lời của chị Nhung, càng khó khăn lại càng phải mạnh mẽ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn