MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phạm Phước Hưng lần thứ 2 được đưa tên vào Kỹ thuật TDDC thế giới: Tự hào trí tuệ Việt

HOÀI VIỆT LDO | 05/10/2017 11:00

Sau động tác hoàn toàn mới ở nội dung vòng treo tại giải VĐTG 2015, một lần nữa “nhà sưu tập HCV” Phạm Phước Hưng lại được Liên đoàn Thể dục Thế giới (FIG) công nhận một động tác kỹ thuật mới nữa để vào sách kỹ thuật của TDDC thế giới.

Lần thứ 2 vào “sách giáo khoa” TDDC

Ở giải VĐTG 2017 đang diễn ra tại Canada, Liên đoàn Thể dục Thế giới (FIG) đã công bố 7 động tác mới được đưa vào sách kỹ thuật, trong đó, đội TDDC Việt Nam có một động tác của tuyển thủ Phạm Phước Hưng.

Phạm Phước Hưng...
... và động tác kỹ thuật mới thứ 2 được FIG công nhận để đưa vào sách kỹ thuật mang tên “The Pham”. Ảnh: H.A

Động tác thuật mới của Phước Hưng thực hiện khi biểu diễn nội dung vòng treo, có độ khó E. Nó được FIG thẩm định chuyên môn và công nhận. Trước đó, Hưng đã đăng ký với Hội đồng chuyên môn và thực hiện thành công, được thừa nhận là động tác kỹ thuật mới để được đưa vào bảng luật của sách kỹ thuật FIG, với tên gọi “The Pham”.

Đây là lần thứ hai, Phước Hưng có một động tác kỹ thuật được đưa vào “sách giáo khoa” TDDC. Trước đó, ở giải VĐTG 2015 ở Glasgow (Scotland), VĐV được ví von là “con gà đẻ trứng vàng” của TDDC Việt Nam này đã thực hiện một động tác hoàn toàn mới ở nội dung sở trường vòng treo. Theo BXH độ khó, động tác này nằm ở mức độ D - mức trung bình khá nhưng để thực hiện được lại rất khó, do VĐV phải huy động tối đa sức mạnh ở cánh tay và vai nhằm ke thẳng người ra phía trước, sau đó bật lên hãm ngang chữ thập để kéo lên và giữ thăng bằng trong 2 giây. Bởi chưa có VĐV nào thành công với động tác này nên FIG đã bị thuyết phục tuyệt đối và công nhận để đưa vào sách kỹ thuật với tên gọi “Pham” - theo họ của Phước Hưng.

Giá trị của niềm tự hào Phước Hưng

Để thấy hết giá trị của lần thứ hai được đưa vào sách kỹ thuật TDDC thế giới, cần phải quay ngược trở lại với 2 năm trước, với động tác kỹ thuật mới thành công. Theo chia sẻ với Hưng, để có được động tác 2 giây này, anh tự tìm tòi và tập luyện bằng sự khổ luyện, ý chí với nghề mà xuất phát từ một ý tưởng từ 4 năm trước trong việc “thể hiện được sự sáng tạo và mới lạ trong động tác kỹ thuật”.

Trong 4 năm, Hưng vừa tập vừa nghi ngờ chính mình, kể cả khi đã luyện tập, thực hiện thuần thục động tác quá mới này. Và khi trình diễn thành công ở Scotland 2 năm trước, tuyển thủ này chia sẻ rằng “tôi nghiên cứu rất kỹ luật cùng cách xếp hạng độ khó các động tác mà FIG công nhận bên cạnh việc tham khảo ý kiến của nhiều HLV, chuyên gia, trọng tài quốc tế”. Trong khi đó, theo đánh giá của HLV trưởng đội tuyển TDDC Trương Minh Sang với tất cả sự tự hào lẫn thán phục thì “để một động tác mới được FIG công nhận là cực khó. Thế nhưng, Hưng đã làm được điều phi thường. Đó là thành quả của sự sáng tạo, tìm tòi và khổ luyện. Bản lĩnh cao cường và kỹ năng hoàn hảo của Hưng thể hiện ở chỗ, chỉ cần thực hiện sai một chi tiết nhỏ với tay đưa lên hơi cao hay thấp một chút, có thể FIG đã không chấp nhận”.

Sau thành công đầu tiên đó, chính Phước Hưng tự đặt mục tiêu mới cho mình và lên kế hoạch để biến giấc mơ thành hiện thực: Năm 2017 ở giải VĐTG sẽ thực hiện thêm một động tác mới. Cùng với sự ủng hộ, động viên của Ban huấn luyện ĐTQG và các đồng đội cũng như các chuyên gia hàng đầu của TDDC, Hưng bắt đầu với ý tưởng mới bằng niềm tin và quyết tâm: “Động tác kỹ thuật mới tôi hướng đến sẽ độc đáo hơn nhiều…”.

Bởi có sự chuẩn bị và mục tiêu, lộ trình rõ ràng nên “The Pham”, động tác kỹ thuật mới thứ hai được FIG công nhận ngày 3.10 của Phước Hưng là sự khẳng định chứ không hề có yếu tố may mắn. Đó là sự khẳng định cho tài năng, trí tuệ của một đại diện ưu tú của TTVN.

Phạm Phước Hưng là VĐV TDDC đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công hai động tác kỹ thuật được ghi vào sách kỹ thuật thế giới. Trước đó, một VĐV TDDC khác là Phạm Tuấn Đạt cũng được FIG điền tên vào “sách giáo khoa” động tác santo 4 vòng trên không ở nội dung thể dục tự do tại giải VĐTG năm 2013.

Sau giải đấu đầu tiên ra mắt là Đại hội TDTT toàn quốc 2002 với 2 HCV, trong 15 năm qua Phước Hưng trở thành một “mỏ vàng” của TDDC Việt Nam. Bởi sự khắc nghiệt mang tính đặc thù của TDDC, Hưng từng bị lao xương cột sống, bị ăn mòn hai đốt và nghỉ luyện tập để chữa trị vào năm 2006 rồi đến năm 2013 thậm chí còn bị lao phổi tái phát phải nghỉ một thời gian để điều trị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn