MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phụ nữ Sán Chỉ duy trì đội bóng đá nữ. Ảnh: TH.

Quảng Ninh: Về Bình Liêu xem những cô gái Sán Chỉ đá bóng

Thiên Hà LDO | 09/11/2022 21:43

Quảng Ninh - Ngoài thời gian lên nương, lên rẫy, những người phụ nữ ở xã Húc Động, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh còn tranh thủ thời gian buổi chiều tập luyện đá bóng, để duy trì đội bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ.

This browser does not support the video element.

Đội bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ. Video: TH.

Đời thường của những nữ cầu thủ dân tộc Sán Chỉ

Từ sáng sớm, những người phụ nữ người dân tộc Sán Chỉ (xã Húc Động, huyện Bình Liêu) đã lên đường vào rẫy, vào nương để làm sạch cỏ hoang, lấy đất trồng quế, hồi,... kiếm thêm thu nhập.

Các thành viên đội bóng đá nữ Sán Chỉ đi làm rẫy. Ảnh: TH.

Chị Mảy Thị Kim - Đội trưởng đội bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ - chia sẻ: "Thu hoạch mùa lúa xong, chúng tôi đi làm rẫy, đi rừng; có người lại đi đào gừng thuê. Đi rừng lúc sáng sớm, rừng gần thì trưa về nhà nghỉ, còn xa các chị em cùng nhau ở lại đây nghỉ ngơi rồi tiếp tục công việc buổi chiều".

Chị Kim cũng cho biết thêm, mỗi lần đi rừng sẽ đi theo nhóm từ 7 người trở lên, đa phần là các thành viên trong đội bóng nên khi trở về, muốn cùng nhau tập luyện cũng sẽ cũng rất thuận lợi.

Chị em đi rừng làm sạch cỏ hoang lấy đất trồng cây. Ảnh: TH.

Hầu hết, các cầu thủ đều là tay ngang, công việc chính là nông dân, tiểu thương hoặc là công chức, viên chức trong xã, trong thôn, có những thành viên là học sinh nữ cấp phổ thông. Họ đá bóng với tinh thần vì sức khỏe, chơi hết mình và cùng nhau phát triển đội bóng đá nữ Sán Chỉ.

Duy trì đội bóng đá nữ

Bóng đá nữ Sán Chỉ bắt đầu được biết đến trên truyền thông từ năm 2016 và được huyện Bình Liêu đưa thành hoạt động trong các chương trình Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch từ năm 2018.

Các thành viên đội bóng đá nữ Sán Chỉ. Ảnh: TH.

Anh Trần A Tám - cán bộ công chức hộ tịch xã Húc Động - cho biết, thời điểm năm 2017, trận bóng đá nữ Sán Chỉ đầu tiên do anh khởi xướng, khi đó anh Tám là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Húc Động. 

Vốn là người thích quan sát, anh Tám nhận thấy khi du khách đến Bình Liêu, họ rất thích chụp ảnh các cô gái Sán Chỉ mặc trang phục của dân tộc mình. Anh Tám đã đưa ra ý tưởng thành lập các đội bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ (là dân tộc chiếm số đông ở xã Húc Động) và để chị em mặc nguyên trang phục dân tộc mình rồi đá bóng.

Đội bóng đá nữ Sán Chỉ đá giao hữu với đội bóng thanh niên xã Húc Động. Ảnh: TH.

Từ đó, ngày bình thường, cũng như bao người dân khác sinh sống trên bản, chị em phụ nữ Sán Chỉ đều đi rừng, làm rẫy. Nhưng trước khi lễ hội diễn ra, các chị em dân tộc Sán Chỉ tại các thôn, bản lại hò nhau cùng tập luyện, để chuẩn bị tranh chiếc cúp vô địch duy nhất trong năm.

"Cứ đến dịp lễ hội, các thành viên trong đội chúng em lại tập trung lại để cùng nhau tập luyện nhiều hơn. Thời gian tập luyện khoảng 1 đến 2 tiếng lúc buổi chiều, chúng em hay cùng các bạn nam tập để học hỏi thêm nhiều kỹ năng, cũng như cách xử lý các pha bóng thuần thục hơn" - em La Thị Thảo - thành viên đội bóng đá nữ Sán Chỉ cho biết.

Em La Thị Thảo tham gia tranh chấp những pha bóng nảy lửa. Ảnh: TH.

Hiếm có nơi nào như huyện biên giới Bình Liêu, phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán và đam mê thể thao như vậy. "Bóng đá là một trong những môn thể thao tôi đặc biệt yêu thích, bởi vậy sau khi đi rừng về, chỉ cần có thời gian là tôi lại gọi các chị em trong đội cùng nhau tranh thủ tập luyện. Ngày nào sớm thì từ 16h30 - 17h, ngày muộn thì từ 17h - 17h30, chỉ cần tranh thủ khoảng 30 phút, cũng là cách để chúng tôi cùng nhau phát triển đội bóng hơn" - chị Mảy Thị Kim cười nói kể.

Những buổi tập luyện của đội bóng đá nữ Sán Chỉ. Ảnh: TH.

Bóng đá nữ Sán Chỉ từ xã Húc Động giờ đây đã được nhân rộng ra các xã và thị trấn Bình Liêu, lan sang các vùng đồng bào Sán Chỉ sinh sống ở huyện giáp ranh Tiên Yên và đưa hình ảnh du lịch của Bình Liêu ngày càng vươn xa hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn