MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp. Ảnh: D.H

Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo: Không phải cứ cưỡng chế dân là tốt

Dương Hà LDO | 23/04/2014 08:22
Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc trực tuyến ngày 22.4 với các bộ, ngành, địa phương về công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Mặc dù giảm về số lượng các vụ khiếu kiện, song theo đánh giá của nhiều tỉnh, thành, mức độ khiếu kiện của người dân ngày càng phức tạp, tiềm ẩn bất ổn kéo dài.
Đất đai: Chưa bao giờ hết nóng

Thanh tra Chính phủ (TTCP) nhấn mạnh, trong các vụ việc khiếu nại, tố cáo (KNTC) có tính chất phức tạp, tồn đọng kéo dài thì vụ việc liên quan đến đất đai chiếm đến 70%. Ông Nguyễn Hữu Tín - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - nêu dẫn chứng, nhiều vụ việc liên quan đến đất đai vẫn kéo dài trong nhiều năm do yếu tố lịch sử để lại. Tình hình tiếp quản đất đai sau giải phóng rất phức tạp, nhiều nơi nhiều chỗ đã sử dụng đất trên danh nghĩa đất do Nhà nước quản lý, mặc dù Nhà nước không trực tiếp quản lý và sử dụng.

Thế nhưng, khi thực hiện chính sách về giải phóng, bồi thường, cấp giấy chứng nhận đất thì lại "vướng". Vì không đủ điều kiện cấp giấy cho dân nên khi bồi thường, người dân lại không đủ điều kiện để được bồi thường, từ đó liên quan đến chính sách giá.

"Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Bộ TNMT xem xét khi không đủ điều kiện bồi thường, đành chọn phương án hỗ trợ thêm để giá đạt tương đương người đủ điều kiện, rất mất thời gian xử lý. Vì vậy cần xem xét lại việc quản lý đất và chính sách, quy định cấp giấy chứng nhận như thế nào. Nếu đã có quá trình sử dụng quỹ đất thì phải xem xét cấp giấy cho những đối tượng này" - ông Tín cho hay.

Tại Quảng Ninh, Đồng Nai, Đắc Lắc, Hà Nội..., hầu hết các vụ khiếu kiện nổi bật và tồn đọng đều liên quan đến đất đai. Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc - ông Hoàng Trọng Hải - cho biết, có những vụ việc về đất đai kéo dài suốt 18 năm qua mà vẫn chưa giải quyết xong, đa phần là những vụ đông người, việc khoán đất, giao đất tại các nông lâm trường, các khu vực giải phóng mặt bằng... Ông Hải nói: "Nội dung khiếu kiện chỉ của một nhóm ít người , nhưng lại cố tình lôi kéo đông người để tạo áp lực với địa phương". 

Tại Hà Nội, tình hình cũng khá căng thẳng khi nhiều vụ việc mặc dù đã được giải quyết hết thẩm quyền, nhưng người dân vẫn cố tình khiếu kiện tiếp. Mặc dù đã đối thoại nhiều lần và giải quyết mọi kiến nghị trong phạm vi pháp luật, song người dân vẫn cố tình gây khó. Hà Nội đã có những lúc buộc phải sử dụng biện pháp cưỡng chế để xử lý các vụ khiếu kiện đông người này.

Cần nhìn thẳng vào yếu kém

Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Mạnh Hiển thừa nhận, các khiếu nại vẫn tập trung phần lớn về đất đai như khiếu nại bồi thường tái định cư, đòi lại đất cũ, tranh chấp đất... "Đối với bồi thường đất, luật coi trọng vấn đề công khai minh bạch, dân chủ. Những dự án từ đầu bàn với dân sẽ không có chuyện dân khiếu kiện. Vì thế, cần đặc biệt chú ý việc hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất và dân khi xây dựng phương án bồi thường" - ông Hiển lưu ý.

Trong khi đó, theo ông Tô Lâm - Thứ trưởng Bộ Công an - khiếu kiện vượt cấp lên TƯ ngày càng tăng về vụ việc và số đoàn, tính chất không còn phạm vi bất bình mà đã trở thành phản kháng quyết liệt. Nhiều vụ khiếu kiện còn có tính chính trị hóa, có sự tham gia của nhiều đối tượng phản động lưu vong, cực đoan trong tôn giáo, mang băngrôn khẩu hiệu, tuần hành la hét, thậm chí ngăn chặn xe của đại biểu QH để đưa đơn, khiến cơ quan báo chí nước ngoài cho rằng ta đang vi phạm nhân quyền. Tất cả vụ việc này cần được Chính phủ rà soát lại để xem tiến độ và hiệu quả giải quyết.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trước hết cần nhìn nhận những yếu kém của cán bộ giải quyết KNTC. Thực trạng trên nói lên sự phối hợp chưa chặt chẽ ở địa phương, chưa giải quyết triệt để đã vội báo cáo lên TƯ, trong quá trình giải quyết chưa bảo vệ quyền lợi của dân, thậm chí coi thường việc tiếp dân, không đối thoại với dân. Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương nào để dân kéo ra Hà Nội thì phải điều phương tiện đưa dân về chứ không thể mặc kệ tình hình.

Phương án cưỡng chế phải hết sức cân nhắc và nếu cưỡng chế phải có báo cáo các cấp có thẩm quyền. "Tôi đề nghị các tỉnh đưa việc giải quyết khiếu nại thành nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, chính quyền tỉnh trực tiếp giải quyết các vụ khiếu kiện phức tạp kéo dài, tổ chức đối thoại dân chủ, công khai. Các bộ trưởng, TTCP phải dành ít nhất mỗi tháng một ngày để tiếp công dân" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Gợi ý dành cho bạn