MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup lần đầu tiên trong lịch sử. Ảnh: AFP

Sau World Cup, bóng đá nữ Việt Nam liệu có thu hút được đầu tư?

KHÁNH AN  LDO | 08/02/2022 11:49

Tấm vé dự World Cup có thể mang theo sự hào nhoáng và vinh quang, nhưng cũng không vì thế mà che lấp đi hết thực tại khó khăn của bóng đá nữ Việt Nam.

Giải vô địch quốc gia ảm đạm

Tấm vé dự World Cup không phải lần đầu tiên mà bóng đá nữ Việt Nam thu hút sự chú ý cực lớn từ dư luận.

Thực tế, mỗi lần giành Huy chương Vàng SEA Games hay vô địch Đông Nam Á, những hình ảnh quả cảm của các cô gái lại ngập tràn mặt báo, nhưng cũng chỉ là tại thời điểm sau các giải đấu quốc tế ít ngày.

Trở về giải vô địch quốc gia, không khí ảm đạm lại bao trùm các sân thi đấu. Trong các địa phương thường xuyên đăng cai giải nữ vô địch quốc gia như Hà Nam, Hà Nội hay TPHCM, chỉ duy nhất Phong Phú Hà Nam là đội bóng có hội cổ động viên.

Ngoài ra, Than Khoáng Sản Việt Nam là cũng là đội có lực lượng cổ động viên khá nhiệt.

Hai đội bóng giàu thành tích nhất là TPHCM và Hà Nội thì thường xuyên sống trong sự “cô đơn”. Cổ động viên chủ yếu của họ chính là các cầu thủ trẻ của đội 2 trên khán đài và cầu thủ…dự bị. Chưa kể, đội Hà Nội còn có tuyển thủ Hoàng Thị Loan với hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên mạng xã hội, nhưng kết cục thì... chẳng khác năm trước.

Nhìn rộng hơn, suốt 11 năm qua, nhà tài trợ đồng hành duy nhất của giải này là doanh nghiệp riêng trong mảng thiết bị điện của ông Trần Anh Tú - Chủ tịch Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Có lần, ông Tú lên tiếng mình sẵn sàng “nhường lại sân khấu” nếu có nhà tài trợ tốt hơn, nhưng Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) rất khó tìm được người chia lửa.

Đơn giản, nếu xét trên hiệu quả tài trợ dựa vào các thông số thuơng mại, truyền thông đơn thuần, giải nữ vô địch quốc gia không phải một “miếng bánh” hấp dẫn.

Tài trợ cho giải nữ thì cần... quên đi những tiêu chí thông thường. Ôm đồm giải nữ và các giải trẻ khác trong 11 năm cũng không phải điều đơn giản với bầu Tú.

Sau vé World Cup, liệu có khác?

Trao đổi với Lao Động, Phó Trưởng ban bóng đá nữ - Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), ông Đỗ Văn Nhật đánh giá: “Rõ ràng là World Cup có thể mang lại cho bóng đá nữ nhiều điều. Nhìn lại, sau SEA Games 30, chúng tôi có thêm những doanh nghiệp quan tâm, dù chưa phải nhiều. Như thế là thu nhập của vận động viên cũng đã cải thiện”.

Ông Nhật nói thêm: “Làm bóng đá nữ không yêu cầu kinh phí cả trăm tỉ đồng như bóng đá nam. World Cup là sự kiện rất lớn, sẽ giúp bóng đá nữ được các doanh nghiệp để ý nhiều hơn. Việc tìm kiếm hợp đồng tài trợ dễ hơn cũng là tiền đề để bóng đá nữ duy trì được sự phát triển mang tính ổn định”.

Thế nhưng, nền tảng của bóng đá nữ Việt Nam lại không vững chắc và thiếu ổn định hơn rất nhiều so với bóng đá nam và thậm chí là futsal. Thực tế chỉ ra rằng, giải vô địch quốc gia cũng vẫn là chỉ có vài địa phương quan tâm như Hà Nội, TPHCM, Hà Nam, Quảng Ninh, Thái Nguyên hay Sơn La.

Năm vừa qua, vì khó khăn tài chính, đội nữ Sơn La cũng suýt chút nữa giải thể. Đội bóng miền sơn cước này sống hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước, tài trợ từ doanh nghiệp chỉ mang tính mùa vụ và theo kiểu “cấp cứu” chứ không mang tính bền vững. Trong khi đó, nguồn tài trợ từ bầu Hiển giúp Thái Nguyên trở nên “giàu có”, nhưng họ còn đang... chật vật đi mua sắm đội hình bởi lượng cầu thủ nữ vốn đã ít, số người dứt áo ra đi khỏi đội bóng cũ còn ít hơn.

Hiện nay, VFF vẫn đang đầu tư phát triển cho đội dự tuyển nữ trẻ quốc gia. Ngoài các trung tâm lớn như Hà Nam, TPHCM, Hà Nội, đây được xem là nơi cung cấp không ít tài năng trẻ cho các cấp độ đội tuyển nữ quốc gia. 

World Cup hào hoáng, nhưng chưa thể che lấp hết những khó khăn của bóng đá nữ Việt Nam. Chỉ hy vọng rằng, đây sẽ là bước đệm quan trọng cho các nhà quản lý xây dựng một kế hoạch lớn hơn và dài hơi hơn.

Sẽ rất lãng phí nếu World Cup chỉ như một cơn mưa rào giữa ốc đảo, khi cơn mưa kết thúc cũng là lúc nắng hạn lại trở về.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn