MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái - Cố vấn nội dung của chương trình. Ảnh: MK

SEA Games 31 sẽ mang lại sự cộng hưởng lớn

THANH HƯƠNG (thực hiện) LDO | 12/05/2022 10:39

Báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với  PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái - Cố vấn văn hoá nghệ thuật và truyền thông cho Lễ Khai mạc và Bế mạc SEA Games 31.

Thưa PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, SEA Games 31 vốn là một sự kiện thể thao lớn nhất của khu vực Đông Nam Á, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào những năm lẻ. Do tình hình dịch COVID-19 cho nên SEA Games được tổ chức vào năm chẵn 2022 và đến nay đã là SEA Games 31. Kể từ năm 2003 sau thành công của kỳ SEA Games lần thứ nhất tại Hà Nội. Lần thứ hai Việt Nam được đăng cai tổ chức SEA Games 31 tại Hà Nội. Xin bà đánh giá tầm ảnh hưởng của SEA Games trong việc giao lưu văn hoá giữa các quốc gia tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần này?

- Thứ nhất, về yếu tố lịch sử, tôi cho rằng Đông Nam Á (ĐNA) là một khu vực rất quan trọng của vùng văn hoá phương Đông, bên cạnh một vùng văn hoá cũng quan trọng của toàn cầu là vùng văn hoá phương Tây. Đây là khu vực tiêu điểm trong vùng văn hoá phương Đông, bao gồm các nước ASEAN, lục địa và ASEAN hải đảo. Và bản chất của vùng văn hoá Phương Đông kết đọng rất nhiều ở các quốc gia trong khu vực ĐNA, nên các quốc gia ĐNA đã tự nhiên mang theo những đặc điểm chung của vùng văn hoá phương Đông - Nông nghiệp.

Bên cạnh những quốc gia hải đảo, lấy đánh bắt hải sản làm nghề chính, thì những quốc gia còn lại của ASEAN lại lấy nghề trồng lúa là nghề cơ bản nuôi sống dân tộc của mình. Không ngẫu nhiên, nhiều dân tộc ở ĐNA đều chọn nghề trồng lúa để phục vụ cho cái sống của mình. Và càng không ngẫu nhiên, Việt Nam cùng với các quốc gia đó đều thiết kế cái sống của quốc gia mình, trên ba hằng số văn hoá: Nông dân - Nông nghiệp - Nông thôn. Nông dân thì phải làm nông nghiệp (trồng lúa) và ở nông thôn (ở làng). Ở nông thôn, người nông dân sống quần tụ và định cư ở LÀNG, để định canh, canh tác cày cấy trên đồng ruộng. Cho nên ĐNA đã có hai quốc gia luôn đứng thứ nhất và nhì thế giới về xuất khẩu gạo: Thái Lan và Việt Nam. Nên, càng không ngẫu nhiên khi biểu tượng của ĐNA là một bó lúa lớn, bao gồm những nhành lúa, tiêu biểu cho những quốc gia trồng lúa trong khu vực.

Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu biểu cho nghề trồng lúa có thể coi là hình ảnh thu nhỏ của ĐNA và là một phần quan trọng của ĐNA. Chính vì thế ý nghĩa văn hoá nông nghiệp trong các kỳ SEA Games bao giờ cũng được ưu tiên.

Ý nghĩa thứ hai là ý nghĩa về địa văn hoá. Khu vực sống của các nước ĐNA, cũng như các quốc gia khác trên toàn cầu, thuộc 5 châu lục đều thuộc về hai vùng văn hoá Đông và Tây đều chao đảo dữ dội suốt hai năm qua về đại dịch COVID-19. Vấn đề đặt ra làm sao tìm mọi cách thoát khỏi đại dịch nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, để trở về cuộc sống “bình thường mới”.

Mong muốn vượt qua đại dịch đã trở thành là nhu cầu và khát vọng sống, không chỉ của các quốc gia trong khu vực ĐNA. Đại hội Thể thao ĐNA, vì thế đã trở thành một giải pháp tích cực nhất, nhằm tìm ra sức mạnh thể lực của tất cả các nước ĐNA, cùng đồng lòng dìu nhau vượt qua đại dịch trên toàn cầu. Điều đó được thể hiện bằng tinh thần và sức mạnh thể thao và theo tôi đó là cách tốt nhất để sống chung với đại dịch. Thứ ba là sức mạnh đoàn kết của các nước ĐNA sẽ thành một sức mạnh chung của khu vực này.

SEA Games 31 năm nay cần có những hành động tích cực như thế nào để lan toả giá trị văn hoá Việt Nam cũng như quảng bá bản sắc văn hoá Vệt Nam đến với bạn bè quốc tế?

- Hành động cụ thể là hành động nghệ thuật trong việc tạo lập hai chương trình Khai mạc và Bế mạc SEA Games 31 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình - Hà Nội dưới sự chỉ đạo và tổ chức của tổng đạo diễn Trần Ly Ly và đạo diễn Hoàng Công Cường. Đây là chương trình nghệ thuật bao gồm các tiết mục xâu chuỗi trên tinh thần thông điệp, hội tụ, khát vọng của tất cả các quốc gia ĐNA: Thân thiện - Đoàn kết - Phát triển - Mạnh mẽ sau đại dịch bằng tinh thần thể thao. Đây cũng chính là thông điệp xuyên suốt của chương trình và điều đó đã nói lên được các thông số văn hoá của người Việt nói riêng và ĐNA nói chung.

Vậy thông điệp bà vừa chia sẻ có phải là xuất phát điểm của khẩu hiệu “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn’’ slogan của SEA Games 31 năm nay không?

- Điều đó đúng với thông điệp xuyên suốt bằng hình tượng nghệ thuật của chương trình, nhất quán thông điệp chung của toàn bộ SEA Games 31. SEA Games 31 bản chất là thể thao, nhằm nâng cao sức lực của các dân tộc ĐNA và trở thành nội lực của từng dân tộc. Cụ Đào Duy Anh từng nói trong sách Văn hóa sử cương (NXB Quan Hải - Tùng Thư, Huế, xuất bản năm 1938, đại ý rằng, nếu không có sinh lực mạnh mẽ thì dân tộc Việt Nam không thể chiếm hữu được một mảnh đất khắc nghiệt đến thế về khí hậu như mảnh đất Việt Nam… Theo tôi, sinh lực mạnh mẽ ấy đang xuất hiện tại Đại hội Thể thao ĐNA 2022 và có lẽ đó là sức mạnh đáng kể nhất của Đại hội Thể thao ĐNA. Việt Nam là một quốc gia hùng cường của ĐNA và đang mang xứ mệnh quan trọng tổ chức SEA Games 31.

Có thể nói, Đại hội Thể thao Đông Nam Á là cầu nối để các quốc gia Đông Nam Á trở nên đoàn kết hơn và hy vọng rằng, SEA Games 31 năm nay sẽ mang lại sự cộng hưởng để các quốc gia có thể cùng phát triển.

Trân trọng cảm ơn bà!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn