MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

SEA Games tầm cỡ Olympic

LÊ VINH LDO | 05/05/2023 06:47
Thực ra là lễ khai mạc SEA Games 32 được hứa hẹn đạt những tiêu chuẩn Olympic…

347 ngày kể từ khi lá cờ của Liên đoàn Đại hội Thể thao Đông Nam Á được hạ xuống tại sân Mỹ Đình (Hà Nội) và trao cho đại diện của Campuchia, SEA Games đã lại đến với thể thao khu vực Đông Nam Á. 18h hôm nay (5.5), Lễ khai mạc sẽ diễn ra tại sân vận động quốc gia Morodok Techo ở Thủ đô Phnom Penh.

Nước chủ nhà Campuchia đã có nhiều quyết định “gây sốc” - như việc miễn phí phát sóng truyền hình, miễn phí vé vào xem, miễn phí ăn ở cho các đoàn thể thao, đồng thời hứa hẹn sẽ tạo nên một lễ khai mạc vô cùng hoành tráng, vượt tầm Đông Nam Á và có thể sánh với những tiêu chuẩn Olympic.

Trong lần đầu tiên đăng cai SEA Games, đó là một lời hứa buộc tất cả phải chú ý. Tất nhiên, trong tham vọng “để cả thế giới biết đến”, khi sân vận động quốc gia Morodok Techo ở Thủ đô Phnom Penh với sức chứa 60.000 chỗ ngồi được xây dựng, quyết tâm của họ đáng được ghi nhận. Và cũng đáng được cổ vũ.

Tuy nhiên, một kì đại hội không chỉ dừng lại ở lễ khai mạc hay bế mạc, mà câu chuyện chính là thi đấu, tranh tài, cạnh tranh huy chương. Yếu tố ganh đua mang đến sự thôi thúc cho thể thao phát triển, do đó, giới chuyên môn và người hâm mộ cũng muốn thấy chất lượng thể thao của SEA Games phải vươn đến tầm Olympic. Nếu không thể (hoặc chính xác là mặt bằng chung chưa thể) chạm đến tâm Olympic thì cũng phải là sự phát triển đi lên. Cùng nhau...

Không hướng sự chỉ trích đến chuyện Ban tổ chức chủ nhà đưa vào nội dung thi đấu mang tính địa phương nhằm mục đích quảng bá văn hóa truyền thống - vì điều đó vẫn cần thiết, nhưng để SEA Games được đặt cạnh Olympic, ít nhất là trong nội dung thi đấu cần có các môn Olympic.

Trên thực tế, từ SEA Games, có không ít vận động viên đã phát triển được đến trình độ Olympic, vươn ra sân chơi thế giới và cũng có thể tranh huy chương. Điều đó cho thấy, tiềm năng không phải không có.

Sẽ phải đi một hành trình rất dài, đặc biệt là về tư duy. Quan trọng là lãnh đạo ngành thể thao của các quốc gia muốn hướng đến điều gì? Có chung mục đích về sự phát triển hay chỉ loanh quanh chuyện thành tích trong khu vực vốn bị coi là “vùng trũng” của thể thao thế giới?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn