MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sir Jim Ratcliffe từ lâu đã không hài lòng về công tác chuyển nhượng của Man United. Ảnh: AFP

Sir Jim Ratcliffe và mục tiêu cải thiện khâu chuyển nhượng của Man United

An An LDO | 24/10/2023 16:00

Vấn đề đầu tiên sau khi mua lại thành công 25% cổ phần Man United của Sir Jim Ratcliffe là cải thiện công tác chuyển nhượng.

Sir Jim Ratcliffe từng mô tả Manchester United bằng cụm từ "những đồng tiền ngu ngốc". Thậm chí, ông còn lấy bản hợp đồng trị giá 47 triệu bảng của Fred từ Shakhtar Donetsk vào năm 2018 như ví dụ về khả năng mua bán kém cỏi của "Quỷ đỏ". Đó là lý do tại sao ông muốn toàn quyền kiểm soát các hoạt động bóng đá tại Old Trafford để đổi lấy khoản đầu tư 1,5 tỉ bảng.

Theo ESPN, Ratcliffe đang thực hiện kiểm toán hoạt động kinh doanh chuyển nhượng của Man United trong những mùa giải gần đây. Ông muốn đảm bảo rằng, hàng trăm triệu Euro lãng phí trong quá khứ sẽ không lặp lại.

Đề xuất của Ratcliffe về việc mua 25% cổ phần Man United trong tay gia đình nhà Glazers, chủ sở hữu câu lạc bộ từ năm 2005, vẫn chưa được chấp thuận. Tuy nhiên, theo tờ ESPN, việc này hiện chỉ được xem là hình thức và khoản đầu tư của Ratcliffe sẽ được xác nhận trong vài tuần tới. Chính xác hơn là vào kỳ chuyển nhượng tháng Giêng.

Hạn chế về công bằng tài chính, hậu quả của việc Man United chi hơn 220 triệu bảng trong mùa giải 2022-2023, có thể sẽ tiếp tục tác động đến khả năng mua bán vào tháng Giêng. Tuy nhiên, Ratcliffe cùng những cố vấn thân cận nhất đã xác định được sai lầm mấu chốt trong công tác chuyển nhượng của Man United.

Trong khi các nhà đầu tư thông minh thường hoạt động với châm ngôn là mua thấp - bán cao, thì Man United lại làm điều ngược lại. Theo Transfermarkt, chỉ Chelsea (1,4 tỉ bảng) và Paris St Germain (880,5 triệu bảng) là chi cho cầu thủ mới nhiều hơn Man United kể từ đầu mùa giải 2018-2019.

Tuy nhiên, trong cùng thời gian đó, "Quỷ đỏ" chỉ huy động được 210 triệu bảng từ việc bán cầu thủ, con số thấp hơn đáng kể so với Chelsea (681 triệu bảng), PSG (438,1 triệu bảng), Manchester City (490,8 triệu bảng) và Liverpool (241,9 triệu bảng). Juventus, Tottenham, Barcelona, ​​​​Real Madrid và West Ham cũng đã huy động được nhiều tiền hơn M.U từ việc bán cầu thủ kể từ năm 2018.

Sir Jim Ratcliffe đủ năng lực để giúp Man United cải thiện khâu chuyển nhượng. Ảnh: AFP

Các nguồn tin cho biết, một số bản hợp đồng đã được đội ngũ của Ratcliffe xem là ví dụ về việc Man United liều lĩnh với số tiền chuyển nhượng lớn. Jadon Sancho được ký hợp đồng từ Dortmund với giá 73 triệu bảng vào năm 2021, mặc dù không có câu lạc bộ nào khác tham gia cuộc đua.

Ole Gunnar Solskjaer mới đây cũng cho biết, Sancho được các tuyển trạch viên của Man United xác định là giải pháp cho vấn đề ở cánh phải dù thừa nhận rằng, cầu thủ này thích chơi ở cánh trái hơn.

Donny van de Beek (40 triệu bảng) và Antony (82 triệu bảng) được xem là những bản hợp đồng không cần thiết với mức giá quá cao. Hệ thống phân cấp của Man United cũng chấp thuận trả lương cao cho các tiền đạo kỳ cựu như Cristiano Ronaldo và Edinson Cavani. Trước khi chiêu mộ được Hojlund vào hè này, M.U luôn loay hoay trong việc tìm các chân sút trẻ tiềm năng và dẫn đến những quyết định sai lầm.

Man United cũng không thể chiêu mộ Jude Bellingham và Erling Haaland. Trong cả hai thương vụ này, họ đều có những cuộc đàm phán kéo dài với Dortmund nhưng cuối cùng vẫn đổ vỡ.

Ratcliffe tin rằng, Man United có thể thông minh hơn trên thị trường chuyển nhượng và sử dụng nguồn tài chính một cách khôn ngoan. Điều đó sẽ dẫn đến việc xem xét kỹ lưỡng vai trò của giám đốc điều hành Richard Arnold, giám đốc bóng đá John Murtough và giám đốc kỹ thuật Darren Fletcher.

Cựu giám đốc bóng đá của Tottenham là Paul Mitchell, đã được liên hệ với một vai trò dưới thời Ratcliffe tại Old Trafford. Tuy nhiên, vẫn chưa có nguồn tin chính thức nào từ Man United xác nhận điều này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn