MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Số 1 thế giới và cách giành Huy chương

LÊ VINH LDO | 25/10/2021 08:55
Trong vô vàn những tin tức thể thao sôi động ở 2 ngày cuối tuần qua, thể thao Việt Nam được cuốn theo dòng chảy với sự kiện võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi giành chiến thắng trước đối thủ người Nhật Bản, Etsuko Tada, để giành đai vô địch thế giới WBO - 1 trong 4 tổ chức lớn nhất thế giới của môn Quyền anh. 

Đó là niềm tự hào đối với nữ võ sĩ người An Giang nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. Thu Nhi trở thành nhà vô địch thứ 8 của WBO và cũng là võ sĩ người Việt Nam đầu tiên vô địch thế giới.

Cũng đã có những phản ứng theo kiểu không hiểu chuyện, rằng, vô địch “hạng ruồi” (mini-flyweight) có gì ghê gớm mà phải xôn xao. Quả thực, vô địch thế giới - trong hình dung của nhiều người, phải là sự hào nhoáng trên đỉnh cao đẳng cấp của những tên tuổi hạng A ở nhiều môn thể thao.

Nhưng thể thao đâu chỉ dành cho riêng những ngôi sao hàng đầu? Hãy nhớ rằng, Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng rổ và hầu hết các môn thể thao đều có sự phân chia hạng bậc, trình độ.

Với Quyền anh nữ, có đến 17 hạng cân, từ hạng nguyên tử đến hạng nặng. Điều đó có nghĩa, mọi vận động viên ở cùng hạng cân, cùng đẳng cấp, đều có cơ hội như nhau. Và khi chiến thắng, giá trị của chức vô địch thế giới là như nhau, ít nhất là với cá nhân người chiến thắng.

Đó là chiến thắng của sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ. Không thể đặt nhà vô địch hạng lông cạnh những gã khổng lồ để nói ai khổ luyện hơn ai.

Với Thu Nhi, đây là một bước tiến mạnh mẽ sau khi đã giành đai WBO vô địch Châu Á vào tháng 2.2020. Câu chuyện từ một cô bé bán vé số vượt qua khó khăn và trở thành nhà vô địch thế giới hẳn nhiên sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tay đấm, nhiều vận động viên khác.

Nhưng chiến thắng đó còn cho thấy một ý nghĩa khác với thể thao Việt Nam trong việc phát triển các môn thể thao. Ngoại trừ những môn được xã hội quan tâm như Bóng đá, Bóng chuyền, hay các môn thể thao đỉnh cao vốn không dễ giành Huy chương ở các giải châu lục, thế giới hay Olympic, tại sao không quan tâm tới những môn thể thao “vừa sức”, vừa hạng cân với thể thao Việt Nam, vừa với kỹ năng cá nhân của các vận động viên Việt Nam.

Đây cũng là hướng đi hợp lý với nền thể thao Việt Nam. Vốn không trên tầm cao của thể thao thế giới, nhưng cũng không ở quá thấp, việc có Huy chương ở những môn thể thao phù hợp cũng là cách góp sức vào thành tích chung.

Đâu phải chuyện “số 1 ở hạng lông” thì không bằng “số 1 ở hạng nặng”! 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn