MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoàn Thể thao Việt Nam trong lễ xuất quân dự SEA Games 32. Ảnh: Bùi Lượng

Sứ mệnh văn hoá - tinh thần SEA Games

Hoàng Lâm LDO | 07/05/2023 07:19
Tôi đã từng được một người bạn nước ngoài hỏi: “Tại sao khu vực Đông Nam Á lại có một cuộc thi của những môn thể thao biển?”. Tôi trả lời rằng, không có biển (sea) nào ở đây cả, mà viết tắt của cụm từ South East Asian - Đông Nam Á.

Bạn hỏi tiếp, thế sao lại là Games! Để trả lời câu hỏi này tôi phải lội ngược dòng SEA Games, vào đúng 65 năm trước, ngày 22.5.1958, một số quốc gia Đông Nam Á tham dự Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 3 ở Tokyo, ông Laung Sukhumnaipradit đã đề xuất và được các nước Đông Nam Á nhất trí thành lập một tổ chức thể thao của Đông Nam Á với tên gọi ban đầu là Liên đoàn Thể thao Bán đảo Đông Nam Á (The South East Asian Peninsular Games Federation hay SEAP Games Federation).

Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á sẽ tổ chức hai năm một lần vào năm lẻ một đại hội thể thao khu vực nhằm mục đích: Tăng cường tình hữu nghị, tình đoàn kết và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực ASEAN và nâng cao không ngừng thành tích, kĩ thuật, chiến thuật các môn thể thao cho vận động viên để có cơ sở tham gia Đại hội Thể thao châu Á và Olympic.

Sau này SEAP Games chuyển thành SEA Games, thì ý nghĩa của chữ Games ấy không thay đổi: Đó không chỉ là nơi tranh tài của những môn thể thao, mà còn là dịp để mỗi nước chủ nhà giới thiệu những nét văn hoá, lịch sử của mỗi nước thông qua một số môn thể thao đặc trưng. SEA Games vẫn là nơi bảo tồn những giá trị cũ khi các nước chủ nhà cố gắng giới thiệu môn thể thao truyền thống của mình.

20 năm trước, khi Việt Nam lần đầu tiên tổ chức SEA Games vào năm 2003, phóng viên của tờ nhật báo Inquirer (Philippines) khi đó có đặt câu hỏi: “Đá cầu là gì? Tại sao phải đưa cầu chinh vào chương trình thi đấu SEA Games?”. Tôi chỉ có thể trả lời được vế thứ nhất, một cách ngắn gọn: “Đá cầu là môn thể thao dân gian truyền thống của người Việt Nam, có thể bắt nguồn từ nhà Lý. Thời đó, khi đất nước thái bình, mùa màng được gặt hái thì trò chơi đá cầu với những miếng đế và lông gà được tổ chức mừng mùa bội thu. Trải qua nhiều đời, đá cầu được lưu giữ và trở thành môn thể thao phổ biến, bình dân ở Việt Nam. Đó cũng là môn thể thao bộc lộ sự khéo léo, nhanh nhẹn của người Việt”.

Hai năm sau, khi Philippines tổ chức SEA Games, đến lượt tôi lại hỏi bạn về một môn thể thao thật mới - Arnis, còn được gọi là võ gậy của người Philippines. Bạn giải thích cũng rất ngắn gọn rằng, Arnis là môn võ truyền thống có từ lâu đời của người Philippines và việc sử dụng võ gậy hiệu quả đã giúp người Philippines chiến thắng trong cuộc chiến chống lại người Tây Ban Nha và cùng với Philippines, Arnis trường tồn, trở thành niềm tự hào của người Philippines, được nâng cấp lên như một môn võ biểu diễn mang tính nghệ thuật cao...

Rồi sau này Indonesia giới thiệu Tarung derajat. Đây là môn võ được võ sư Achmad tổng hợp từ các môn võ truyền thống của người Indonesia. Tarung - trong tiếng Indo là “chiến đấu”, “derajat” có nghĩa là nhân phẩm con người. Đất nước Myanmar đưa vào thi đấu Chinlone - môn thể thao mà người dân nước này tự hào bởi 1.500 năm tuổi của nó...

Cho đến giờ, sau 31 lần tổ chức, không ai còn lạ với những môn thể thao “lạ” trong chương trình thi đấu nữa. Bởi lẽ SEA Games đã vượt qua tầm một cuộc thi đấu thể thao mà còn mang yếu tố trình diễn về văn hoá, truyền thống, tính cách con người của quốc gia đăng cai.

Chẳng hạn, SEA Games 32 tới đây tại Campuchia, làm sao có thể hình dung môn cờ Khmer hay Ouk Chaktrang - vốn môn thể thao trí tuệ này là trò chơi rất phổ biến tại Campuchia trong nhiều thế kỉ qua. Tương tự là những môn thể thao đặc trưng của Campuchia như: Bokator, Kun Khmer...

Từ chỗ bị nghi ngờ rằng, chủ nhà đưa những môn đặc trưng - và cũng là thế mạnh - vào sân chơi SEA Games để “gom” huy chương, thì những môn thể thao thấm đẫm giá trị truyền thống, văn hoá của mỗi quốc gia trở thành những ngôi sao lấp lánh ở mỗi kì SEA Games.

Tôi ấn tượng với lời dặn dò của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gửi các thành viên Đoàn Thể thao Việt Nam tại lễ xuất quân dự SEA Games: “Mỗi thành viên của đoàn hãy nhận thức được trách nhiệm vẻ vang của mình, cần thể hiện tốt truyền thống văn hóa và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của đất nước đến bạn bè quốc tế; tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, giao lưu học tập kinh nghiệm với các đoàn bạn. Mỗi một cá nhân của Đoàn Thể thao Việt Nam là một đại sứ văn hóa của đất nước”.

Các giá trị ấy là con người Việt Nam bất khuất, không chùn bước trước những khó khăn. Giá trị ấy là con người Việt Nam tự tin, đầy khát vọng vươn lên những tầm cao mới. Giá trị ấy là nét đẹp bao dung, nhân văn từ ngàn đời ông cha ta để lại...

Thành tích trong thể thao lúc nào cũng quan trọng nhưng điều đọng lại và tồn tại lâu dài là những giá trị văn hoá, tinh thần dân tộc trong ý thức, hành động và trong thi đấu thể thao.

SEA Games đặc biệt, đáng chờ đợi chính là ở những điều đó. Ánh sáng văn hoá từ mỗi người tham gia vào ngày hội này như một ngôi sao trong vòm trời của thể thao khu vực mang tên SEA Games 32.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn