MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trận đấu lớn tại Serie A đã phải tạm hoãn do dịch COVID-19. Ảnh: Getty

Tác nhân hủy diệt bóng đá Trung Quốc và Châu Âu

Nhiếp Phong LDO | 02/03/2020 11:20

Trong lịch sử, chưa bao giờ các giải đấu lớn của cấp độ CLB và ĐTQG tại Châu Âu lại đứng trước nguy cơ “vỡ” như hiện tại. Những hệ quả khó lường do COVID-19 gây ra có thể tiếp tục ảnh hưởng nặng nề hơn nữa với bóng đá toàn thế giới.

Bóng đá và thể thao Trung Quốc tê liệt trong nỗi lo sợ

Ngày 30.1, sau gần 1 tháng dịch bệnh do COVID-19 gây ra bắt đầu từ thành phố Vũ Hán, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) phát đi thông báo hoãn toàn bộ giải đấu từ chuyên nghiệp đến bán chuyên, nghiệp dư trên toàn lãnh thổ. Thông báo chỉ nêu thời điểm hoãn chứ không cung cấp thông tin về ngày sẽ khởi tranh trở lại. Bởi đến lúc này, tình hình bệnh dịch tại đất nước đông dân nhất thế giới vẫn diễn biến khó lường.

Không chỉ bóng đá, các môn thể thao khác cũng chịu chung số phận không thể tổ chức thi đấu. Các vận động viên rơi vào tình cảnh lo sợ, các nhà tổ chức giải đấu đứng trước nguy cơ thua lỗ những số tiền khổng lồ. Tuy nhiên, tất cả đều bất lực.

Tại giải vô địch Trung Quốc (CSL), không ít cầu thủ có quốc tịch nước ngoài đã tìm cách tháo chạy, điển hình là Marko Arnautovic, người trước đây từng đá cho West Ham. Tiền đạo người Áo đã tính “đánh bài chuồn” vào cuối tháng 1.2020, nhưng yêu cầu của anh không được thực hiện bởi tất cả chuyến bay xuất ngoại khi đó đã bị đóng cửa. Arnautovic chỉ là một trong rất nhiều trường hợp cầu thủ nước ngoài muốn chạy trốn khỏi Trung Quốc khi dịch COVID-19 ngày một phức tạp.

Với những vận động viên bản địa, tình hình của họ cũng chẳng khá hơn. HLV Clearlove của đội Edward Gaming là người có quê ở tỉnh Hồ Bắc, không thể rời khỏi thành phố để đến đại bản doanh của đội do tất cả đã bị cách ly hoàn toàn. Những tin tức về Clearlove ngày một ít khiến đa phần người hâm mộ thể thao điện tử Trung Quốc cảm thấy lo lắng bởi anh là một tượng đài của bộ môn League of Legends.

Các môn thể thao truyền thống bị hoãn do tất cả đều phải có sự đối kháng trực tiếp giữa người và người. Thể thao điện tử Trung Quốc với giải LPL mùa Xuân 2020 đã bị hoãn hơn 2 tháng. May mắn hơn các môn thể thao khác, giải này có thể chơi trực tuyến với nhau. Dù trước mắt còn quá nhiều bất cập với hình thức chơi trực tuyến nhưng tất cả “không chịu nổi nhiệt” nữa. Giải sẽ khởi tranh trở lại từ ngày 9.3 để xoa dịu nỗi lo về tài chính với ban tổ chức, dù còn đó những bất cập không thể khắc phục.

Bóng đá Châu Âu và cơn khủng hoảng chưa từng thấy

Nếu ở Châu Á, tâm dịch là Trung Quốc và Hàn Quốc, tại Châu Âu, Italia cũng chịu cảnh tương tự với số ca mắc và tử vong tăng nhanh chưa từng thấy. Ở vùng phía Bắc, nhiều thành phố, thị trấn đã bị kiểm soát chặt chẽ, thậm chí bị cách ly. Các giải đấu thể thao, trong đó có bóng đá đã chịu chung số phận.

Cuối tuần trước, 100 trận đấu trên mọi cấp độ từ hạng cao nhất là Serie A cho đến các giải bán chuyên, nghiệp dư phải hủy bỏ trên toàn lãnh thổ Italia. Chính phủ nước này lo ngại, nếu không có các biện pháp cứng rắn ngay lập tức, hiểm họa sẽ rất khó lường. Đến tuần này, trận đấu được quan tâm nhất mùa giải của bóng đá Italia là trận “chung kết mùa giải” giữa Juventus và Inter, cùng một vài trận đấu khác đã bị hoãn đến tận 13.5.

Từ Serie A, các giải lớn khác cấp CLB toàn châu lục như Champions League hay Europa League đứng trước nguy cơ bị hoãn. Một số trận đấu được tính đến phương án thi đấu trên sân không có khán giả nhưng nỗi lo từ các nhà tổ chức vẫn thường trực. Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA) đang nghe ngóng các quyết định từ Liên minh Châu Âu (EU) để điều chỉnh các giải đấu của mình. Trong đó, tệ nhất là những ảnh hưởng tới EURO 2020.

Nếu tình hình không cải thiện và Chính phủ các nước quyết mạnh tay phòng dịch, nhiều giải đấu sẽ bị hoãn ngay lập tức. Hệ quả là lịch thi đấu bị “dồn toa” và nếu tệ hơn, giải bị hoãn vô thời hạn và đứng trước nguy cơ bị hủy kết quả, những đội đã chờ tới 30 năm để mong một lần vô địch như Liverpool sẽ vô tình “lĩnh đủ”.

Quay trở lại EURO 2020, giải năm nay đã phá cách khi tổ chức tại rất nhiều thành phố trên toàn Châu Âu, thay vì 1 hoặc 2 của nước chủ nhà. Điều này là mối nguy hiểm lớn nhất, dịch COVID-19 nếu tiếp tục bùng phát, khi đó, lượng cổ động viên qua lại trên toàn lãnh thổ châu lục sẽ tăng đột biến. Nếu bị hủy hoặc hoãn giải đấu, đó là điều không ai mong muốn, nhưng trong trường hợp tổ chức trên sân không có khán giả, UEFA sẽ lấy nguồn tiền ở đâu để bù lỗ cho các sân đăng cai hay các nhà tài trợ truyền thông khi chứng kiến cảnh “vắng như chùa bà Đanh” trong mỗi trận đấu?

Đến thời điểm này, dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lây lan. Cũng từ đó, bóng đá Châu Âu vẫn sống trong nỗi lo sợ chưa từng có. Nhưng trên tất cả, sức khỏe con người phải là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Nếu có một mùa hè không EURO, tất cả người hâm mộ sẽ chia sẻ bởi việc cần làm lúc này là chung tay phòng dịch bằng tất cả các biện pháp có thể.

EURO 2020 là lần đầu tiên giải được tổ chức tại 12 thành phố, thuộc 12 quốc gia trên toàn Châu Âu. Trong số này, có tới 8 thành phố và 7 quốc gia chưa từng được tổ chức trong quá khứ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn