MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Dương Tiến Kỷ của câu lạc bộ Thanh Hoá. Ảnh: NVCC

Tấm huy chương Vàng Olympic và chuyện nhà 2 anh em bác sĩ thể thao

KHÁNH AN LDO | 27/02/2021 08:04

Y học ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với thể thao thành tích cao Việt Nam. Những cống hiến thầm lặng của các bác sĩ trong ngành nghề đặc thù này cần nhiều hơn những ghi nhận của xã hội.

Chuyện Olympic, chuyện SEA Games

Ngày thi đấu đầu tiên của thể dục dụng cụ ở SEA Games 30 trên đất Philippines, phải đến gần 23h30 đêm, anh mới dùng bữa ăn đầu tiên kể từ bữa sáng lúc 10h. Lịch cơ bản là thế, trưa hay những buổi lỡ cỡ cứ sữa, bánh ngọt và có gì lót dạ là tranh thủ ăn.

Tất bật chuẩn bị cho các thành viên của bộ môn thể dục dụng cụ tại khách sạn, trước khi có buổi trao đổi với huấn luyện viên Trương Minh Sang về thông tin các vận động viên cùng những gì cần chuẩn bị. Sau vài ngày “quay như chong chóng”, anh được điều đến hỗ trợ bộ môn khác thi đấu cũng ở Trung tâm thể thao Rizal Memorial ở Manila. Những ngày cuối cùng, bác sĩ Cần được “luân chuyển công tác” đến thành phố Binan, rồi sang Angeles trước khi có thể kết thúc một kỳ SEA Games và trở về với vali hành lý đầy ắp linh vật của Đại hội...

“Được về nhà rồi!”, câu cảm thán cùng cái thở phào của bác sĩ Dương Tiến Cần, giống hệt các thành viên tổ y tế trong đoàn. Anh cũng như các đồng nghiệp, một thành viên Đoàn thể thao Việt Nam tham dự các đại hội thể thao khu vực, quốc tế mà ai cũng thấy quen mặt nhưng rất ít người biết tên.

“Y học thể thao là một nghề rất đặc thù. Nó đặc thù ngay cả xét trong phương diện ngành Y tế. Chúng tôi làm ngành Y nhưng lại không hẳn ở viện nhiều, tiếp xúc nhiều với các bệnh nhân thông thường. Các bác sĩ thể thao đôi khi sinh hoạt, ăn ở cùng vận động viên, chúng tôi ở nơi tập trung, thi đấu nhiều hơn ở nhà do tham dự nhiều giải, nhiều môn quanh năm...” - bác sĩ Dương Tiến Cần chia sẻ nhẹ nhàng.

Anh Cần nói về nghề, về mình với đầy tự hào, về những khoảnh khắc vinh quang thay vì kể về đặc thù, nỗi khổ và cái khó của nghề: “Tôi vẫn nói với mọi người rằng đây là một nghề vinh quang, bởi chúng tôi thường xuyên được ở đằng sau, trực tiếp chứng kiến những khoảnh khắc tuyệt vời của chiến thắng. Chúng tôi không phải những người quan trọng, nhưng có bao nhiêu người có vinh dự ngước nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay và cùng hát khi Quốc ca vang lên tại Olympic?”.

Olympic Rio 2016 là một ký ức đẹp không thể nào quên trong sự nghiệp của vị bác sĩ thể thao “vô danh” này. Anh rất tự hào vì chính là người trực tiếp chăm sóc, trị liệu cho xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, người giành tấm Huy chương Vàng lịch sử cho thể thao Việt Nam. Khi đó, bác sĩ sinh năm 1984 một mình trong nhiều vai trò, từ một chuyên gia vật lý trị liệu, chuyên gia tâm lý và đôi khi là cả một người em bầu bạn cho “anh Xuân Vinh đỡ buồn, căng thẳng vì áp lực lớn quá”.

Chuyện nhà có 2 anh em làm bác sĩ thể thao

Dương Tiến Cần sinh ra và lớn lên ở một vùng ngoại ô của thành phố Thanh Hoá. Cậu em út Dương Tiến Kỷ là người được anh gửi gắm nhiều niềm tin, sớm định hướng theo con đường trở thành một bác sĩ thể thao như mình. Anh nhớ lại: “Mình thấy đây là một ngành nghề tốt, hướng đến những giá trị tốt đẹp nên cũng có phần hướng cho em trai theo nghiệp y học thể thao để chăm sóc cho các vận động viên hoặc là những chơi thể thao, hạn chế được những chấn thương, tư vấn và giúp họ có được những hiểu biết cần thiết khi gặp các chấn thương...”.

Đáp lại sự tin tưởng của anh trai, Dương Tiến Kỷ cũng nối bước nghiệp y học, nhưng đi theo một con đường khác biệt hơn. Sau khi tốt nghiệp, Kỷ chọn bóng đá để chuyên sâu, làm cho các đội bóng ở giải hạng Nhất, V.League; thậm chí mùa giải 2015 anh còn sang Lào làm việc cho câu lạc bộ SHB Viêng Chăn.

Anh Kỷ tâm sự: “Nghề y học chẳng ai dám nói hay được, tôi có anh trai đi trước là điều may mắn. Đi theo nghề cũng vì đam mê bóng đá, được gặp các cầu thủ nổi tiếng khi đến bệnh viện nơi anh trai công tác. Khi bắt đầu làm việc ở các đội bóng, tôi cũng thường xuyên trao đổi với anh trai cũng như nhiều tiền bối đi trước về tình trạng chấn thương của cầu thủ, từ đó có một phác đồ điều trị phù hợp nhất”.

Kỷ niệm trong nghề nghiệp đặc thù, dĩ nhiên cũng rất đặc biệt. Với anh Cần là những khoảnh khắc tự hào dân tộc thì bác sĩ Kỷ lại có những niềm vui nho nhỏ nhưng cũng “hú hồn”.

“Trong một trận đấu giữa Sài Gòn và Thanh Hoá tại V.League 2016, khi đó tôi đang làm việc cho Sài Gòn và phải đối đầu với đội bóng quê hương. Thú thực trước cả chục nghìn khán giả xứ Thanh, tôi cũng hơi run và khi Thanh Hoá có bàn thắng, tôi đứng bật dậy chuẩn bị ăn mừng thì nhớ ra đó là... đối thủ. Nếu không kiềm chế được thì giả sử bị đuổi việc, tôi cũng không dám trách ai”, bác sĩ Dương Tiến Kỷ xúc động nhớ lại kỷ niệm bình dị của nghề. Sau mùa giải đó, bác sĩ Dương Tiến Kỷ đi theo “tiếng gọi của tình yêu”. Anh trở về quê hương và làm việc tại Thanh Hoá từ năm 2017 cho đến thời điểm hiện tại.

Mặt bằng thu nhập chung của những ngành nghề liên quan đến y học tương đối cao. Nhưng riêng với y học thể thao, mức thu nhập vẫn khá thấp so với sự cống hiến, sức lao động của các bác sĩ. Để có thể nhận mức thu nhập lớn, có một chỗ làm ổn định và lâu dài, việc đánh đổi như không còn cơ hội dự các giải đấu thể thao gần như là bắt buộc nhưng rất hiếm bác sĩ nào làm như vậy, bởi có yêu, đam mê thì họ mới chọn công việc này.

“Tôi cảm nhận đây là công việc rất thiết thực, mang nhiều ý nghĩa trong cuộc sống. Điều mà mình muốn nhận lại đó là sự ghi nhận của những người chơi thể thao về tấm lòng cũng như cố gắng của đội ngũ y bác sĩ thể thao như mình, vậy thôi”, anh Cần tự hào về công việc. Với Dương Tiến Kỷ, cậu em trai út của gia đình còn có một mong muốn khác, đó là được cùng làm việc với anh trai trong màu áo đội bóng quê hương Thanh Hoá. “Đó là mong muốn mỗi khi anh em gặp nhau thôi, còn tôi vẫn là một cổ động viên của đội bóng. Tôi vẫn cứ làm việc ở đây đã, sống ở quê, gần nhà và được làm việc mình yêu là may mắn lắm rồi…”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn