MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Trần Anh Tú. Ảnh: Hải Đăng

Tân Phó Chủ tịch tài chính VFF phải là gương mặt sáng giá

Đăng Huỳnh LDO | 29/05/2020 08:13

Ông Trần Anh Tú sẽ không tham gia tranh cử chức danh Phó Chủ tịch tài chính Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và điều này khiến cho chủ nhân chiếc “ghế nóng” đang lộ diện dần.

Ông Tú rút lui

Tại Hội nghị lần thứ 6, khoá 8, Ban chấp hành VFF đã đi đến thống nhất sẽ tổ chức Đại hội thường niên vào tháng 8.2020, bầu bổ sung vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF vẫn bỏ trống sau khi ông Cấn Văn Nghĩa từ chức năm trước. 

Có 3 gương mặt là ứng viên cho vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính, gồm ông Trần Anh Tú - Chủ tịch kiêm Tổng GĐ VPF, Uỷ viên Thường trực VFF;  Ông Lê Văn Thành - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty CP thể thao Động Lực; Ông Phạm Thanh Hùng - Chủ tịch Than Quảng Ninh. Các ứng viên này đều có ưu, nhược điểm. Điều quan trọng là các thành viên VFF nên có trách nhiệm hơn với lá phiếu tín nhiệm của mình, tránh trường hợp “vết xe đổ” như trường hợp ông Cấn Văn Nghĩa. 

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Anh Tú đã khẳng định chính thức không tham gia tranh cử. Đặt vấn đề trước thềm đại hội VFF khoá 8, có ý kiến ủng hộ ông Tú kiêm luôn cả vai trò Phó Chủ tịch tài chính VFF, điều này sẽ tốt cho cả các đội tuyển quốc gia và các giải chuyên nghiệp quốc gia. Bởi lẽ, doanh nhân này có cơ hội tiếp xúc nhiều nhà tài trợ, kiếm tiền tốt cho bóng và có thể lôi kéo các thương hiệu, nhãn hàng tài trợ, đồng hành cùng bóng đá Việt Nam. Vậy tại sao ông Tú không tranh cử vào tháng 8 tới? 

Ông Tú chia sẻ: “Đúng là khi làm Phó Chủ tịch tài chính VFF thì tôi sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ các nhà tài trợ. Như vậy, tôi có thể có điều kiện gặp gỡ để trao đổi, có thể có nhiều cơ hội tài trợ cho V.League. Do nhiều ý kiến trái chiều lúc đó nên việc tôi không ra ứng cử nữa thì tốt cho VFF. Như đã nói, năm nay là một năm khó khăn do dịch COVID-19 nên tôi phải dành rất nhiều thời gian cho công việc hiện tại, do vậy tôi sẽ không ra tranh cử chức danh Phó Chủ tịch phụ trách tài trợ VFF vào tháng 8.2020”.

Trước thềm Đại hội VFF khoá 8 diễn ra cuối năm 2018, bầu Tú từng được xem là một trong những ứng viên sáng giá. Thế nhưng trước sự phản đối khá gay gắt của bầu Đức và một bộ phận dư luận, ông Tú đã xin rút ở phút cuối. Và câu chuyện đã khiến công tác nhân sự của Đại hội khoá 8 VFF lùm xùm suốt một thời gian dài. 

Thì ai “lộ diện”?

Phó Chủ tịch tài chính là người phải kiếm được bao nhiêu tiền mỗi năm cho VFF? Đó là câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra cho các ứng viên Phó Chủ tịch tài chính sẽ được bầu trong tháng 8 tới. Bởi vấn đề kiếm tiền, tưởng như dễ dàng sau năm 2018, 2019 rất thành công của bóng đá Việt, giờ bỗng trở thành bài toán khó do ảnh hưởng sâu rộng của dịch COVID-19. 

Năm 2019, doanh thu của VFF là 240 tỉ đồng trong khi chỉ tiêu đề ra là 165 tỉ đồng, lãi đến 747%. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, VFF đã thông báo có thể sụt giảm nguồn thu xuống 6% trong năm 2020. Trước đó, VFF đặt mục tiêu năm 2020 sẽ thu được 256 tỉ đồng. Cũng vì thế mà Đại hội thường niên của VFF sẽ được diễn ra ngay trong tháng 8 thay vì chờ đến cuối năm như thường niên.

Trước đây, các doanh nhân khi ra ứng cử hoặc trúng cử đều có những cam kết rất mạnh về việc kiếm tiền cho VFF. Năm 2014, khi trúng cử chức Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 7, ông Lê Hùng Dũng từng tuyên bố sẽ kiếm về cho VFF 383 tỉ đồng. Ông Dũng trước đó là Phó Chủ tịch tài chính VFF đã phần nào thể hiện được khả năng kiếm tiền với cách làm việc, tư duy của doanh nhân. Tuy nhiên, khi lên nắm quyền thì ông lại thất bại và rồi vì lý do sức khoẻ đã sớm rút lui với một kế hoạch kiếm tiền dang dở.  

Đến năm 2018, khi ông Cấn Văn Nghĩa trúng cử chức Phó Chủ tịch tài chính VFF nhiệm kỳ 8 đã hứa sẽ kiếm về 400 tỉ đồng trong nhiệm kỳ. Tuy nhiên, ông Nghĩa mới chỉ tại vị 6 tháng đã xin từ chức vì những vấn đề liên quan đến cá nhân, trong đó có những bê bối tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình. 

Trong khi tất cả đang bàn tán về chuyện trả lương cho HLV Park Hang-seo trước thời điểm gia hạn hợp đồng với VFF, bầu Đức từng tiến cử doanh nhân Nguyễn Hoài Nam - Tổng GĐ Tập đoàn Berjaya Việt Nam thay người ông Cấn Văn Nghĩa. Tất nhiên, bầu Đức cũng đưa ra “cái giá” khá cao cho doanh nhân này, với tuyên bố: “Nếu mọi việc không sáng sủa, ông Phó Chủ tịch VFF phụ trách vận động tài trợ nên rút lui, nhường chỗ cho người khác. Tôi cam đoan rằng chỉ 10 phút sau khi ông ấy rút lui, sẽ có người khác điền vào chỗ trống kèm theo cam đoan sẽ mang về cho VFF không ít hơn 200 tỉ đồng/năm. Tôi chịu trách nhiệm về phát biểu này và sẽ đứng ra bảo hộ cho người được tiến cử. Đó là doanh nhân Nguyễn Hoài Nam”.  

Bây giờ, vị trí Phó Chủ tịch tài chính đang cần đến một cái tên “có giá”, cả về giá trị tiền bạc kiếm về cho VFF và giá trị thương hiệu bản thân. Thế nên phải chờ đợi những gương mặt mới sáng giá xuất hiện, để giải những bài toán khó cho đầu tàu của nền bóng đá...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn