MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tập huấn, đào tạo và thi đấu

LÊ VINH LDO | 27/10/2021 06:10
Sự hợp tác giữa VFF và Next Media về dự án “Vườn ươm tài năng bóng đá trẻ Việt Nam tại Đức” là một thông tin rất vui đối với những người làm bóng đá Việt Nam. Hẳn nhiên, mục đích của dự án là góp phần vào sự phát triển của bóng đá nội trong tương lai, tạo ra thế hệ cầu thủ tiếp cận với môi trường bóng đá đỉnh cao, hướng đến mục tiêu góp mặt tại World Cup 2030.

Tuy nhiên, ở đây, cũng cần làm rõ hơn các khái niệm liên quan đến chuyện tập huấn, đào tạo và thi đấu.

Những năm qua, bóng đá Việt Nam đã có những cầu thủ ra nước ngoài thi đấu (không phải nhóm cầu thủ Việt kiều thi đấu ở nước ngoài). Ở góc độ nào đó cũng có thành công (chủ yếu trên phương diện cá nhân), nhưng về mặt bằng chung thì chưa tạo thành làn sóng mang đến cú hích cho sự phát triển theo hướng này.

Mới đây, một câu lạc bộ ở Oman muốn chiêu mộ tiền vệ Hoàng Đức để anh có thể trở thành người tiếp theo sau những Công Vinh, Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Hậu được trải nghiệm bóng đá ngoại. Trong số này, Công Phượng đến 3 quốc gia là: Nhật Bản, Hàn Quốc và Bỉ.

Với các cầu thủ, việc được thi đấu thường xuyên là quan trọng nhất, bởi nó đánh giá được phong độ và trạng thái thể lực, tâm lý. Nhưng hầu hết các tuyển thủ Việt Nam đều có số trận ra sân ít ỏi (tính về mật độ thì Công Vinh là nhiều nhất với 13 trận trong 4 tháng ở Nhật Bản). Vậy thì nên chăng, cần phải tính toán chuyện đến với câu lạc bộ nào ở trình độ phù hợp, đảm bảo việc cạnh tranh suất đá chính thay vì mòn mỏi chờ đợi cơ hội.

Tất nhiên, việc được ăn, ngủ, tập luyện trong môi trường chất lượng hơn sẽ cải thiện cho bản thân cầu thủ ở nhiều khía cạnh. Nhưng không cọ xát, va chạm thực tế nhiều sẽ ảnh hưởng tới cảm giác thi đấu, để khi trở về đội tuyển cũng khó tạo ra khác biệt thực sự.

Trở lại với dự án hợp tác giữa VFF và Next Media, cần ghi nhận sự nỗ lực, cống hiến của các bên, kể cả phía Bundesliga. Nhưng rõ ràng, việc “tập huấn hằng năm” khác với “đào tạo”.

Tập huấn là ngắn hạn, được ví như làm quen, tiếp cận, học hỏi những cách thức tập luyện, sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng khoa học, tiến bộ hơn rồi thi đấu một số trận mang tính kiểm tra. Sau đó, tập thể ấy vẫn chủ yếu thực hiện việc tập trung ở trong nước.

Trong khi đó, đào tạo cần thời gian dài, qua từng cấp độ U, với giáo án riêng theo trình độ tăng dần. Điều đó đảm bảo sự phát triển ổn định, được va chạm với thế hệ đồng trang lứa hoặc nhỉnh hơn một chút, chứ không phải đột ngột ra sân đấu với những đối thủ to, cao hơn về thể hình…

Một ngày ra nước ngoài học tập cũng là kinh nghiệm đáng quý, nhưng nếu có thể, việc gửi gắm một vài nhân tố trẻ nổi trội nhất đến với môi trường đỉnh cao trong thời gian dài sẽ là bước đi phù hợp hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn