MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhìn thẳng vào thất bại và tiếp nhận với thái độ tích cực, đó là điều cần thiết với thể thao Việt Nam lúc này. Ảnh: Olympic

Thất bại tại Olympic và thái độ tiếp nhận

Lê Vinh LDO | 03/08/2021 13:56
Điều gì đáng sợ nhất đối với đoàn thể thao Việt Nam khi trở về từ Olympic Tokyo 2020? Đó không phải chuyện phải cách ly thêm nửa tháng nữa mới được về nhà mà đợi chờ phản ứng của người hâm mộ thể thao nước nhà về kết quả tại kỳ Thế vận hội. Phải lắng nghe những lời bàn tán, bình phẩm, thậm chí đay nghiến... hoàn toàn không mang đến một giá trị có lợi nào.

Quách Thị Lan chạy dưới cơn mưa Tokyo ở bán kết nội dung 40m rào nữ, có thể nói, là kết quả tốt nhất mà thể thao Việt Nam có được ở Olympic 2020 (bên cạnh Cầu lông, Quyền anh, Rowing có yếu tố tích cực “nhất định”). Nhưng trước đó, không thể không biết đoàn Indonesia có thêm 1 Vàng, 1 Đồng để nâng tổng huy chương lên thành 5, trong khi Malaysia là quốc gia Đông Nam Á thứ tư có huy chương (1 Đồng).

Khó khăn thì rõ rồi, thua là thua và kém là kém, cần nhìn thẳng vào sự thật. Nhưng thái độ tiếp nhận thất bại sẽ nói lên nhiều điều. Đặt lên bàn cân về thành tích trong bối cảnh chung là điều đương nhiên, nhưng có nên dùng sự so sánh để hằn học với nhau? Có phải là thời điểm thích hợp để đặt ra những câu chuyện liên quan đến tài chính và tạo ra vòng xoáy câu hỏi cùng cảm giác so bì (mức thưởng huy chương) hay sự thương cảm (mức lương thấp)?

Tất nhiên, cũng không cần phải tìm một cách diễn đạt nào đó để giảm nhẹ đi thất bại, làm dịu vấn đề, nhưng rõ ràng, tạo thêm áp lực là không cần thiết. Vấn đề thì ai chẳng biết, nói ra và xoáy vào trách nhiệm cũng dễ, nhưng tìm giải pháp mới là điều quan trọng. Mà giải pháp sẽ chỉ đến tự sự tiếp nhận một cách tích cực về thái độ. Đó là điều ngành Thể dục thể thao cần lúc này.

Từ góc độ tích cực, nhìn vào kết quả tiêu cực vẫn thấy điểm… tích cực. Ngược lại, nếu đã muốn tiêu cực, kể cả chiếc Huy chương Vàng cũng vẫn đầy vết gợn…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn