MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thay đổi kiểu... thôi đẩy

Lê Vinh LDO | 08/01/2022 12:16
Bóng đá Việt Nam sớm được chứng kiến những thay đổi vào đầu năm mới 2022, sau thất bại của đội tuyển ở AFF Cup. Đến thời điểm, tất cả đều phải thay đổi…

Chiếc ghế Chủ tịch VFF sẽ thay đổi, với hy vọng về nhân tố năng động hơn, đúng “chất bóng đá” hơn. Huấn luyện viên Park Hang-seo thay đổi, theo nhìn nhận của giới chuyên môn, thật sự mạnh mẽ, để đội tuyển quốc gia có “hoài bão và tham vọng lớn hơn”. Các câu lạc bộ cũng đang thay đổi, không chỉ chuyện nhân sự trước mùa giải mới mà còn là sự chuyển mình trong ý thức xây dựng, trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, đảm bảo tối đa chất lượng chuyên môn.

Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cũng đang thay đổi, nhưng bằng cách nào đó, sự chuyển biến đó là chưa đủ. Nói một cách thực tế hơn, sự thay đổi đó lại càng khiến người ta cảm thấy lo ngại, bởi thay đổi trong hành động nhưng không suy chuyển trong tư duy. Đại hội cổ đông bất thường của VPF hôm 6.1 là làm nóng dư luận với “cách thay đổi” của Hội đồng quản trị. Với mục đích bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị sau khi 3 đại diện của các câu lạc bộ, Đại hội đã bầu 3 nhân tố mới.

Đó chính là vấn đề, bởi một trong những đề xuất đưa ra từ đại diện các câu lạc bộ là “bổ sung 5 người”. 3 hay 5 thì vẫn là số lẻ, nhưng xen giữa vẫn là số 4. Số 4, ở đây là số đại diện của VFF trong Hội đồng quản trị, với 1 người là chủ tịch, còn 3 hoặc 5 là đại diện của các câu lạc bộ. Nói đến đây, hẳn nhiều người hiểu câu chuyện là gì, khi VPF lâu nay vẫn có điều tiếng trong cách điều hành.

Trong sự bất mãn, ai đó có thể dùng đến những cách diễn đạt có phần nặng nề để nói về cách lãnh đạo của VPF. Nhưng đặt vấn đề ngược lại, bản thân các câu lạc bộ đã thực sự thích ứng với thời cuộc hay chưa? 

Nếu nhớ lại chuyện liên quan đến việc V.League mùa giải 2021 nên hủy hay tiếp tục, phần lớn các câu lạc bộ đồng tình với việc hủy - trong bối cảnh VPF vẫn muốn hoàn thành mùa giải. Nên nhớ, các giải đấu khác trong khu vực và trên thế giới vẫn diễn ra và kết thúc theo kế hoạch. Đi sâu hơn vào vấn đề, trong thời điểm câu lạc bộ gặp khó khăn, họ muốn hủy giải. Trong bối cảnh giải đấu bị “chê” kém hơn giải của người Thái. Vậy, vấn đề lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân (đội bóng) có nên đặt ra ở đây?

Lợi ích ai chẳng muốn, nhưng lợi ích riêng nên là thứ nằm trong lợi ích chung. Trong bối cảnh mọi giới đều kêu gọi thay đổi vì bóng đá Việt Nam, thay đổi theo kiểu... thôi đẩy, muốn người khác vận động nhưng bản thân trì trệ, thì lời giải cho câu hỏi “bóng đá Việt Nam bao giờ phát triển đúng thực chất” sẽ chỉ như trò trốn tìm mà thôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn