MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bóng đá Việt Nam cần có định hướng đào tạo cầu thủ phù hợp với thể hình, thể chất của người Việt. Ảnh: VFF

Thay đổi trong định hướng đào tạo, phát triển cầu thủ Việt Nam

TAM NGUYÊN LDO | 02/02/2024 09:07

Một nhận định rất chung khi Đội tuyển Bóng đá nam Việt Nam bước ra sân chơi châu lục (hay như đội tuyển nữ ở World Cup 2023) là sự thua thiệt về thể hình. Điều đó không phủ nhận. Không chỉ bóng đá Việt Nam, kể cả Thái Lan, Indonesia hay Malaysia cũng rơi vào tình thế như vậy ở sân chơi lớn.

Điều bóng đá Việt Nam còn thiếu

Hãy nhớ rằng, kể cả khi Tuyển Indonesia nhập tịch ồ ạt, với một số nhân tố thể hình tốt, thì họ cũng vẫn thua Australian 0-4, với đa phần là những pha không chiến. Thể hình, thể lực kém hơn đương nhiên là bất lợi, nên câu chuyện nhập tịch cầu thủ đang nóng trở lại. Tuy nhiên, tiếp mạch nhận định rằng bóng đá Việt Nam chưa cần (hoặc không cần) nhập tịch những nhân tố ngoại (không có gốc Việt Nam) khi chưa khai thác, tận dụng hết những gì mình có, câu chuyện định hướng đào tạo, phát triển cầu thủ trong tương lai sẽ rất quan trọng.

Cầu thủ Việt Nam, về mặt bằng chung, nhỏ con là đúng. Nhưng thế giới cũng chứng kiến những cầu thủ còn thấp hơn, nhưng giữa rừng đối phương “khổng lồ”, họ vẫn chơi bóng tự tin.

Lý do nằm ở đâu?

Nếu lấy ví dụ về những Lionel Messi, Xavi Hernadez, Andres Iniesta, Lorenzo Insigne, Xherdan Xhaqiri... là quá xa vời thì ngay tại Asian Cup 2023 mà Đội tuyển Việt Nam vừa tham dự, hãy nhìn về Abbosek Fayzullaev của Đội tuyển Uzbekistan. Cầu thủ này sinh tháng 10.2003, mới 20 tuổi và chỉ cao... 1m67.

Có thể tìm thêm nhiều đoạn clip về cầu thủ của câu lạc bộ CSKA Moscow trên mạng, nhưng cũng chỉ cần theo dõi cách mà Fayzullaev thể hiện tại Asian Cup 2023 - 3/4 trận đá chính, trận nào cũng có mặt ít nhất 1 hiệp, ghi 2 bàn thắng (trong đó có bàn ấn định tỉ số 2-1 trước Thái Lan tại vòng 1/8).

Tất nhiên, có thể nói vì xung quanh cầu thủ 20 tuổi này là các đồng đội tốt để có thể chơi bóng, nhưng trên phương diện cá nhân, chính Fayzullaev cũng tạo cho đồng đội sự tự tin, niềm tin bằng những pha xử lý bóng của mình.

Đó chính là những điều Đội tuyển Việt Nam hiện tại của Huấn luyện viên Philppe Troussier còn thiếu. Nói rộng hơn, là bóng đá Việt Nam còn thiếu.

Định hướng đào tạo, phát triển cần những ngôi sao đột biến

Vẫn biết rằng, trong triết lý kiểm soát bóng mà ông Troussier mong muốn là tính tập thể, vận hành một cách đồng bộ, nhưng vì sao lại bế tắc ở 1/3 sân đối phương? Đó là việc thiếu nhân tố có thể gây đột biến. Quan sát cách chơi của Fayzullaev - cầu thủ có thể đá cánh hoặc tiền vệ trung tâm, khả năng xử lý bóng có nhịp điệu và tốc độ là điều kiện để anh qua người hoặc tung ra những đường chuyền “chìa khóa” cho đồng đội.

Tuyển Việt Nam vừa thể hình chưa tốt, vừa thiếu một nhân tố như vậy - cầu thủ có tốc độ thì thiếu sức mạnh và kỹ thuật, cầu thủ có sức mạnh lại chưa đủ độ uyển chuyển cũng như nhận định tình huống, cầu thủ có thể tung ra những đường chuyền quan trọng lại thiếu khả năng đột phá...

Vậy nên, nhìn về công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam, điều rút ra là rất cần sự điều chỉnh. Không thiếu tài năng có kỹ thuật, nhưng việc sớm gò vào yếu tố chiến thuật lại làm mòn đi bản năng “chơi bóng” - yếu tố khác cũng rất cần trong tư duy.

Những nhân tố đặc biệt cần có phương pháp đặc biệt, trong khi cũng phải đẩy mạnh yếu tố đào tạo tâm lý.

Các cầu thủ Thái Lan có thể thua thiệt thể hình nhưng cách họ giữ, kiểm soát và chơi bóng từ lâu vẫn ổn định và hơn bóng đá Việt Nam. Bóng đá Việt Nam cũng cần như vậy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn