MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thấy gì từ thất bại của cử tạ Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020?

KHÁNH NGUYÊN LDO | 28/07/2021 13:42

Dù việc giành Huy chương Olympic không hề đơn giản, nhưng nếu thành tích của vận động viên sa sút so với chính mình, đó mới là vấn đề cần bàn đến.

Cử tạ thi đấu dưới sức mình

Cần phải nhìn nhận công bằng rằng để giành được một tấm Huy chương Olympic là điều không hề dễ dàng với bất kì vận động viên Việt Nam nào. Đặc biệt với cử tạ, đây là môn thể thao rất nặng về thể chất, thành tích đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý và cơ hội để sửa sai là rất ít.

Ở hạng cân 61kg nam, Thạch Kim Tuấn bộc lộ rõ yếu điểm về tâm lý khi thực hiện hỏng cả 3 lần cử đẩy, còn thành tích cử giật đạt mức 126kg. Trong khi đó, ở hạng cân 59kg nữ, Hoàng Thị Duyên cũng không thực sự thành công khi mức tổng cử của cô dừng ở con số 208kg, dưới sức so với chính mình khá nhiều.

Thực ra, để giành Vàng ở các nội dung ở trên là cực khó, không cần đến các nhà chuyên môn, khán giả xem truyền hình cũng nhận ra sự khác biệt quá lớn từ những Kuo Hsing-chun (Đài Bắc Trung Hoa, nữ) hay Li Fabin (Trung Quốc, nam). Việc giành Huy chương vàng với họ như một “cuộc dạo chơi” bởi khoảng cách với nhóm phía sau là quá lớn.

Nhưng, nếu nói không có hy vọng huy chương cho cử tạ Việt Nam thì không đúng. Với Hoàng Thị Duyên, thành tích của vận động viên sinh năm 1996 kém hơn so với chính mình, Ở giải vô địch Châu Á cách đây 3 tháng, Duyên đạt mức cử 216kg và nếu duy trì được thành tích này thì cô có thể đã giành huy chương.

Câu chuyện của Thạch Kim Tuấn còn đáng tiếc hơn. Tại SEA Games 30, vận động viên này từng hoàn thành mức tổng cử lên đến 304kg, quá “dư thừa” để đạt được một tấm huy chương đồng Olympic, trong khi Son Igor, đô cử đến từ Kazakhstan đứng thứ 3 với tổng cử chỉ dừng lại ở con số 294kg.

Trao đổi với Lao Động, ông Đỗ Đình Kháng - Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ - thể hình Việt Nam thẳng thắn: “Theo tôi, 2 vận động viên này không đạt kì vọng mà mình đặt ra. Có nhiều nguyên nhân, trong đó không thể bỏ qua nguyên nhân do đại dịch COVID-19 làm mọi thứ thay đổi, không thể toàn tâm toàn ý để chuẩn bị cho các vận động viên được”.

Thất bại đến từ đâu?

Theo tìm hiểu, sau khi trở về từ các giải đấu quốc tế để tìm vé dự Olympic, các vận động viên đều bị cách ly dài ngày, ảnh hưởng đến việc tập luyện. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng tâm lý thi đấu, thể trạng của vận động viên, thậm chí là tính kết nối giữa thầy và trò đang là vấn đề với cử tạ.

Ông Kháng nhận xét: “Riêng với Thạch Kim Tuấn ở Olympic thì cậu ấy bao giờ cũng có trạng thái không tốt, mà cậu ấy cũng là người ít nói, không dễ để giãi bày. Tôi nhiều lần nói chuyện với huấn luyện viên của Tuấn thì anh ấy bảo Tuấn là người ít nói. Nếu Tuấn có thể chia sẻ với huấn luyện viên nhiều hơn để kịp thời nắm bắt được tâm lý thì vẫn tốt hơn”.

Vị chuyên gia này cho biết, về vấn đề tâm lý thì có vận động viên thể hiện cảm xúc ra bên ngoài nhưng có người lại không biểu hiện. Có những vận động trước giờ thi họ biểu hiện hoàn toàn bình thường, nhưng đêm trước có thể không ngủ… Đối với những vận động viên cấp cao thì áp lực ít nhiều ảnh hưởng đến giấc ngủ hoặc là lo lắng về vai trò trách nhiệm. Nhiều khi truyền thông đặt niềm tin quá lớn cũng làm vận động viên suy nghĩ.

“Tôi nói quan điểm của mình theo những kinh nghiệm đã từng trải qua, còn cụ thể những vận động viên hiện tại thì chúng tôi phải gặp ban huấn luyện vì người ta bám sát, theo dõi từng bước một của vận động viên, sau đó mới có những đánh giá chính xác được”, ông Kháng giải thích.

Nên hay không nên có chuyên gia tâm lý?

Trước câu hỏi của phóng viên Lao Động về chuyện bổ sung chuyên gia tâm lý, ông Đỗ Đình Kháng cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần đặt ra vấn đề này, nên hay không việc có 1 chuyên gia tâm lý cho các vận động viên trước những cuộc thi lớn. Nhưng rồi bàn đi bàn lại mãi, có ý kiến cũng cho rằng không ai biết rõ vận động viên hơn là người trực tiếp huấn luyện, đó chính là các huấn luyện viên.

Tôi cũng từng là vận động viên nên tôi hiểu, người thầy chính là người gần mình nhất, hiểu biết sâu sắc từ lời ăn tiếng nói rồi đến sở thích ăn uống, ngủ nghỉ… Chuyên gia tâm lý là những người có chuyên môn tốt nhưng người ta lại thiếu hiểu biết về chuyên môn đặc thù của thể thao, cũng có thể xảy ra bất cập”.

Phân tích của ông Kháng chỉ rõ ra một vấn đề lớn của thể thao Việt Nam, đó là thiếu những chuyên gia tâm lý cho vận động viên thể thao đỉnh cao. Nhìn khuôn mặt đầy âu lo của Thạch Kim Tuấn, có thể hiểu rằng các thành viên trong ban huấn luyện xem như thất bại ở khâu “làm tâm lý”.

Nhưng để tìm ra chuyên gia tâm lý, lại hiểu đặc thù về thể thao cũng không hề đơn giản. Đây là lĩnh vực quá mới mẻ ở Việt Nam. Còn nếu thuê chuyên gia nước ngoài, e rằng khó bộ môn nào ngoài bóng đá có thể chi trả nổi mức lương cho các chuyên gia đẳng cấp.

Ông Đỗ Đình Kháng nói về bất cập trong công tác làm tâm lý cho các vận động viên. Ảnh: TTVH

“Chúng tôi đã đắn đo rất nhiều giữa các giải pháp, nhưng cuối cùng vẫn chọn giải pháp tốt nhất là huấn luyện viên phải bám sát vận động viên, kịp thời điều chỉnh và cùng chia sẻ về cách tập luyện, chiến thuật. Trong thời gian tới, thầy và trò phải phối hợp, làm việc với nhau sao cho thông suốt thì sẽ tốt hơn”, chuyên gia Đỗ Đình Kháng ưu tư.

Cử tạ là bộ môn hiếm hoi của thể thao Việt Nam tuy không có cơ chế đầu tư lớn nhưng vẫn có thể “đãi cát tìm vàng” để hy vọng giành Huy chương Olympic. Nhưng rồi, câu chuyện ngoài chuyên môn chẳng khác nào “kẻ đánh cắp giấc mơ” của vận động viên. Những vị lãnh đạo, chuyên gia của bộ môn có thể biết nhưng bất lực. Còn lãnh đạo cao hơn, cũng chẳng dễ để tìm ra cách giải quyết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn