MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thấy gì từ tiền thưởng của Novak Djokovic sau Paris Masters 2021?

MINH TRIẾT LDO | 08/11/2021 12:32
Novak Djokovic kiếm bộn tiền sau chức vô địch Paris Masters 2021, và càng làm rõ hơn khoảng cách giàu nghèo trong giới quần vợt. 

Mùa giải ATP 2021 đã diễn ra đầy ắp những màn trình diễn nghẹt thở. Trong khi Novak Djokovic chinh phục 3 giải Grand Slam, thì Daniil Medvedev đã đăng quang Major Slam đầu tiên của mình tại Flushing Meadows. Bên cạnh đó, Alexander Zverev, Stefanos Tsitsipas và Matteo Berrettini cũng đang tiến gần hơn đến danh hiệu Grand Slam đầu tiên của họ.

Sau chức vô địch Paris Masters 2021, Nole kiếm về thêm 388.451 USD. Tay vợt số 1 thế giới một lần nữa chiếm vị trí độc tôn về tiền thưởng trong mùa giải, nhiều hơn bất kỳ tay vợt nào khác. Bắt đầu mùa giải 2021 với Australia Open ở Melbourne, sau đó là Belgrade Open, Roland Garros, Wimbledon và Paris Masters. Theo Statista, Djokovic đã kiếm được khoảng 7,8 triệu USD trong năm 2021.

Trong một năm thi đấu ấn tượng, Daniil Medvedev cũng bội thu danh hiệu và tiền thưởng. Sau chức vô địch US Open đầy ấn tượng, tay vợt người Nga tiếp tục giành thêm Mallorca Open và Canadian Open. Thất bại trước Djokovic tại chung kết Paris Masters, anh vẫn kịp bỏ túi hơn 200.000 USD cho vị trí Á quân. Tổng kết năm 2021, Medvedev dự kiến cũng đã kiếm được gần 6 triệu USD tiền thưởng.

Số tiền mà Djokovic hay Medvedev kiếm được là niềm ao ước của số đông các tay vợt tennis, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh. Andy Murray là tay vợt hiếm hoi đang xếp thứ 156 thế giới nhưng có số tiền thưởng lên đến 465.883 USD. Thực tế, với tư cách là vận động viên quần vợt vĩ đại nhất lịch sử Vương quốc Anh, anh có thể kiếm hàng triệu USD từ những nhà tài trợ dù thứ hạng thấp.

Tuy nhiên, hầu hết những người chơi có thứ hạng thấp không thể kiếm nổi nguồn thu nhập tương tự. Ví như tay vợt người  Nga Andrey Kuznetsov xếp hạng 261 thế giới, chỉ kiếm được hơn 90.000 USD trong năm 2021. Con số này không những chưa bằng tiền thưởng một giải đấu của Djokovic, mà còn rất khó chi tiêu với một vận động viên quần vợt chuyên nghiệp chơi hạng thế giới.

Những vận động viên quần vợt chuyên nghiệp được coi là "nhà thầu độc lập". Họ phải sử dụng quỹ riêng cho việc huấn luyện, di chuyển quốc tế, chỗ ở, ăn uống và bất kỳ chi phí nào khác. Nhiều tay vợt có thứ hạng thấp kiếm được lợi nhuận rất ít từ các giải đấu, thậm chí không đủ hòa vốn.

Đại dịch COVID-19 càng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đối với các tay vợt xếp hạng thấp. Tháng 4.2021, Sofia Shapatava khi đó đang xếp hạng 375 đã kêu gọi Liên đoàn Quần vợt Quốc tế, Hiệp hội Quần vợt Chuyên nghiệp và Hiệp hội Quần vợt Nữ giúp đỡ những tay vợt có thứ hạng thấp và đảm bảo tài chính cho họ.

Không ít ý kiến trái chiều rằng "tài năng, phong độ đi kèm với tiền thưởng nên không có gì phải phàn nàn", nhưng lời giải thích của Shapatava cũng cần cân nhắc. "Chúng tôi đấu tranh, vì nhiều tay vợt còn phải làm cả công việc phụ.  Giống như tôi, vừa huấn luyện, vừa chơi các giải đấu", Shapatava. Cũng giống như hàng triệu người trên khắp thế giới, tay vợt sinh năm 1989 và những người chơi có thứ hạng thấp khác đã chứng kiến ​​cơ hội việc làm của họ bị thu hẹp trong thời kỳ đại dịch. Từ đó, họ cũng không thể cải thiện thành tích.

Tình hình trở nên nghiêm trọng đến mức vào tháng 8.2020, Djokovic cùng với vận động viên quần vợt người Canada Vasek Pospisil, đồng sáng lập Hiệp hội Người chơi quần vợt chuyên nghiệp (PTPA) với mục đích rõ ràng là “tạo ra sự minh bạch và công bằng trong quần vợt chuyên nghiệp" và "xây dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng, bền vững cho các tay vợt ngày nay và cho các thế hệ mai sau”.

Tuy nhiên, Roger Federer và Rafael Nadal, 2 trong số những tay vợt xuất sắc nhất và có thu nhập cao nhất của thế kỷ 21, không coi PTPA là một lựa chọn khả thi cho những tay vợt hạng thấp. Nadal từng chia sẻ: "Nếu chúng ta so sánh thu nhập của 5-8 năm trước với ngày nay, rõ ràng là chúng tôi đã giảm đáng kể khoảng cách giữa người xếp hạng thấp nhất và người giỏi nhất. … Chúng tôi biết rằng chúng tôi phải tiếp tục làm việc này, nhưng chúng tôi không cho rằng một tổ chức khác là cần thiết".

Federer đồng ý với Nadal, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "thống nhất giữa các tay vợt” để "mở đường tốt nhất cho tương lai". Đó mới thực sự là cốt lõi, giống như việc Djokovic thành lập PTPA nhưng nó chưa có ảnh hưởng nổi bật trong việc tăng thu nhập cho các tay vợt hạng thấp. Nole vẫn chơi các giải ATP, vô địch và nhận hơn 300.000 USD ở Paris Masters, còn những người dừng bước từ sơ loại chỉ nhận khoảng 5.000 USD, có lẽ chỉ vừa đủ trang trải các chi phí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn