MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ khi Viettel lên chơi V.League ở mùa giải 2019, khán giả vẫn cổ vũ đội bóng với cái tên Thể Công trên các khán đài. Ảnh: Minh Dân

Thể Công - cái tên gợi về những ký ức

TAM NGUYÊN LDO | 22/11/2023 11:57

Có lẽ thế hệ cổ động viên bóng đá trẻ không biết vì sao đội bóng ngành quân đội lại được gọi là Thể Công.

Vinh quang với hơn 50 năm Thể Công

Chiều 21.11, một sự kiện rất được quan tâm diễn ra tại Hà Nội, khi cái tên Thể Công chính thức trở lại với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Câu lạc bộ Viettel sẽ đổi thành Thể Công Viettel ngay từ mùa giải 2023-2024. Quyết định của lãnh đạo Bộ Quốc phòng được chào đón một cách nồng nhiệt, đặc biệt là người hâm mộ và các thế hệ cầu thủ từng khoác áo câu lạc bộ vốn được gọi là “đội bóng áo lính”.

Trong lịch sử hơn 50 năm tồn tại của cái tên Thể Công, đội bóng gặt hái được nhiều vinh quang - từ giải vô địch hạng A miền Bắc (9 lần) cho đến giải hạng A quốc gia (4 lần) và giải vô địch quốc gia (6 lần) cùng nhiều giải thưởng khác. Tuy vậy, khi bóng đá chuyển sang chuyên nghiệp, đội bóng rơi vào giai đoạn khó khăn và cái tên Thể Công chính thức bị thu hồi phiên hiệu vào tháng 9.2009.

Trên thực tế, tên gọi Thể Công Viettel cũng không mới, bởi từ năm 2005, đội đã đổi sang tên này ở thời điểm chịu một phần quản lý từ Tổng Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội. Đến năm 2007, đội trở lại là Thể Công, trước khi chỉ còn là Viettel sau đó 2 năm, đúng dịp kỉ niệm 55 năm thành lập Đoàn thể thao Thể Công.

Vì sao gọi là Thể Công?

Trong nhiều năm qua, đội bóng ngành quân đội thi đấu ở V.League dưới tên gọi Viettel và cũng có những thành quả nhất định - như chức vô địch mùa giải 2020. Nhưng với những người hâm mộ và những ai từng gắn bó với đội bóng áo lính, họ luôn đau đáu về một ngày trở lại của cái tên Thể Công. Thế hệ cổ động viên trẻ hiện tại có thể biết cái tên Thể Công qua lời kể, qua nhiều kênh thông tin, nhưng hẳn không nhiều người biết vì sao lại gọi như vậy.

Ngày 23.9.1954, thể theo chỉ định của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khi đó là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đoàn công tác Thể dục Thể thao Quân đội được thành lập. Thể Công là viết tắt của cụm từ “Thể dục thể thao công tác đội”. Có 23 thành viên là cán bộ chiến sĩ của Trường Sĩ quan Lục quân, nhưng lại chia làm 3 đội bóng đá, bóng rổ và bóng chuyền, trong đó bóng đá có 11 người.

Và từ đó, đội bóng Thể Công dần lớn mạnh, cùng những tên tuổi xuất sắc của bóng đá Việt Nam như Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Cao Cường, Quản Trọng Hùng, Vương Tiến Dũng, Nguyễn Trọng Giáp, Vũ Mạnh Hải, Đỗ Mạnh Dũng, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Hồng Sơn, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Thắng, Phạm Như Thuần, Triệu Quang Hà, Đặng Phương Nam, Vũ Công Tuyền...

Những ký ức không quên

Nếu vào một buổi chiều Chủ nhật nào đó, người ta thấy từng đoàn người áo xanh hướng về nội thành Hà Nội, người ta biết là hôm đó Thể Công thi đấu tại sân Cột Cờ, một sân vận động nhỏ nằm trong khuôn viên sân Đoan Môn của Di tích Hoàng thành Thăng Long. Và sẽ càng đặc biệt hơn nếu đó là trận derby Thủ đô với câu lạc bộ Công an Hà Nội…

Các thế hệ trước đây có thể kể không hết những kỉ niệm về Thể Công nói riêng hay trận derby nói chung, nhưng thứ làm cho đội bóng trở nên đặc biệt chính là “chất lính” trong phong cách thi đấu của mình. Có sự kình địch nhưng không phải thù địch. Có những khoảnh khắc khiến khán đài nhỏ bé của sân Cột Cờ phải gầm lên như sấm dậy. Có cả những thời khắc “gai người” vì cảm xúc, khiến nhiều cậu bé theo cha đến sân theo dõi ngấm vào tình yêu với Thể Công từ lúc nào không hay…

Theo dòng chảy thời gian, bóng đá chuyên nghiệp giờ có cầu thủ ngoại nên sự thuần chất về “những chiến sĩ đá bóng” đã không còn nữa. Tuy nhiên, sự trở lại của cái tên Thể Công có lẽ cũng đủ mang đến nhiều hơn sự hào hứng cho người hâm mộ, cho giải đấu hàng đầu Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn