MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đội Phong Vũ Buffaloes tranh tài tại MSI 2019. Ảnh: Việt Hùng

Thể thao điện tử Việt Nam phải phá bỏ rào cản để phát triển

MINH TRIẾT LDO | 31/12/2021 19:30
Thể thao điện tử Việt Nam muốn vươn tầm sẽ cần một khoảng thời gian để thực sự vượt qua định kiến và khắc phục các hạn chế vốn có. 

Theo thống kê của Statista, tính đến quý I.2021, Việt Nam có 91,3% người dùng Internet chơi game, trở thành quốc gia có tỉ lệ người chơi game trên tổng dân số cao thứ 6 thế giới. Số lượng người dùng được phân bổ cả ở game trên điện thoại thông minh và game trên PC.

Tuy có dung lượng người chơi lớn nhưng số lựa chọn đi theo con đường chuyên nghiệp vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân đầu tiên được kể đến là do môn thể thao điện tử chưa có được sự công nhận và nhìn nhận đúng mực tại Việt Nam.

Thể thao điện tử đã được đưa vào nội dung thi đấu tại SEA Games 31 nhưng trong suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh, đây là vẫn chỉ là "trò chơi giải trí vô bổ". Trong khi đó, tại nhiều quốc gia phát triển, game thủ e-Sports là một nghề "hái ra tiền", thậm chí tạo được tên tuổi và sự nổi tiếng. 

Gamer là một nghề phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Ảnh: AFP

Trong những năm gần đây, livestream game cũng là một hình thức khá phổ biến, đi cùng với sự thành công và nổi tiếng của nhiều gamer phần nào đã thay đổi quan điểm cộng đồng. Tuy nhiên, thật khó để nói phần đông những bậc phụ huynh Việt đã thoải mái để con em mình thoải mái theo đuổi đam mê về game. Dù thực tế, chỉ đam mê với e-Sports vẫn chưa đủ để trở thành game thủ chuyên nghiệp. 

Đó là còn chưa kể, game thủ vẫn chưa được công nhận là một ngành nghề chính thống tại Việt Nam. Định kiến và những mặt tiêu cực của game chính là rào cản để người trẻ thuyết phục gia đình. 

Và rồi khi đã trở thành game thủ chuyên nghiệp, sức ép trong nghề nghiệp và bên ngoài xã hội cũng đủ sức khiến nhiều người phải bỏ cuộc. Bởi như nhiều vận động viên chuyên nghiệp đã nói "chỉ đam mê là không đủ". Nhìn vào danh sách những tuyển thủ e-Sports Việt Nam có thu nhập cao, có thể thấy tiền thưởng từ thi đấu chuyên nghiệp và lương từ công ty, câu lạc bộ là những khoản chủ yếu. Con số tổng có thể lên tới hàng tỉ đồng, nhưng đó chỉ dành cho số ít.

Thành công của Team Flash đem lại số tiền thưởng lớn dành cho tuyển thủ của bộ môn Liên Quân Mobile. Ảnh: IC

Tiền thưởng thường chỉ dành cho người chiến thắng, và đương nhiên không phân bổ cho nhiều người. Và như quy luật tự nhiên, phải tập luyện, có kỹ năng giỏi mới được trọng dụng và có cơ hội thành nhà vô địch. Bước trên hành trình đó, đa phần  các vận động viên e-Sports cũng phải đi lên từ đồng lương 5-10 triệu/tháng, dù phải "cắm mặt đi cày" quên ngày giờ.

Hơn nữa, tuổi đời của một "gamer" không dài, thời kỳ đỉnh cao lại càng ngắn. Do đó, sự cạnh tranh trong bộ môn này là rất khốc liệt. Và nhiều người đã bỏ cuộc giữa chừng, chọn lựa con đường khác để mưu sinh. Để rồi, giống như nhiều môn thể thao khác, các vận động viên e-Sports cũng muốn được nâng cao đời sống.

Trong một phỏng vấn với Lao Động năm 2019, huấn luyện viên Kkoma của "đội tuyển huyền thoại" SKT T1 từng chia sẻ: "Muốn để thể thao điện tử Việt Nam phát triển cần tạo ra một môi trường đào tạo chuyên nghiệp và liên tục. Từ đó, hướng dần tới việc đưa các tuyển thủ ra nước ngoài thi đấu, cọ xát để học hỏi và nâng cao trình độ. Cuối cùng, hãy định hướng cho họ. Các bạn phải cho những tuyển thủ thấy đường đi trong tương lai như thế nào là đúng và cần thiết để nâng tầm bản thân".

2 năm sau, số lượng giải quốc nội đã tăng, môi trường để các vận động viên tập luyện đã được cải thiện. Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ nếu so với kỳ vọng của giới game thủ. Chỉ khi có một chiến lược xã hội hóa đủ tốt, tìm được sự công nhận đúng nghĩa cho e-Sports, nghề “gamer” mới thực sự phát triển, kéo theo cả nền thể thao điện tử tại Việt Nam phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn