MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiền đạo Huỳnh Như (phải) - đội trưởng tuyển nữ Việt Nam và đội bóng nữ TPHCM - đoạt nhiều thành tích vẻ vang trong những năm qua. Ảnh: Anh Duy

Thể thao góp phần nâng cao vị thế của TP.Hồ Chí Minh

NGUYỄN ĐĂNG (thực hiện) LDO | 04/05/2021 11:39
Ngoài việc chuẩn bị lực lượng, góp sức cùng đoàn Thể thao Việt Nam hướng đến SEA Games 31, thể thao TPHCM còn đề ra một loạt kế hoạch, chiến lược để phát triển phong trào theo đề án hướng đến năm 2030 và định hướng năm 2035.

Lao Động đã có cuộc phỏng vấn với ông Mai Bá Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh xung quanh chiến lược của thể thao TPHCM hướng đến những mục tiêu trước mắt và lâu dài, đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương.

Hướng đến SEA Games 31 tại Việt Nam, thể thao TPHCM có bao nhiêu vận động viên, huấn luyện viên góp mặt và mục tiêu của địa phương như thế nào?

- Ông Mai Bá Hùng: SEA Games 31 là lần thứ hai Việt Nam đăng cai Đại hội Thể thao số 1 Đông Nam Á, sau gần 20 năm, với 40 môn. Theo tính toán ban đầu, thể thao TPHCM phấn đấu đóng góp 1/6 số lượng vận động viên cho Đoàn thể thao Việt Nam. Về thành tích, Việt Nam sẽ phấn đấu đứng hạng nhất toàn đoàn, trên tinh thần SEA Games “sạch”, công bằng. Với tinh thần đó, sở yêu cầu các vận động viên của TPHCM phải nỗ lực hết sức, phấn đấu đoạt từ 10 đến 20 Huy chương vàng trong thành tích chung. Với Para Games, đoàn Việt Nam đặt mục tiêu đứng hạng 4 và 5. Trong đó, lực lượng của TPHCMlàm chủ lực cả về thành tích.

TPHCM có chính sách, đãi ngộ gì đặc biệt để khuyến khích, tạo thêm động lực cho các vận động viên để họ hướng đến một kỳ SEA Games rực rỡ trên sân nhà?

- So với các địa phương khác, TPHCM có một chính sách riêng để hỗ trợ cho các vận động viên đoạt huy chương, tính theo chu kỳ. Mỗi tấm huy chương, chúng tôi sẽ hỗ trợ các vận động mức 5 triệu đồng/tháng, kéo dài trong vòng 2 năm đến kỳ SEA Games lần sau. Trung bình mỗi vận động viên sẽ nhận chừng 120 triệu đồng để bồi dưỡng, tập luyện thêm. Chúng tôi vẫn đang duy trì chính sách này và mới đây đã trình bày với Hội đồng Nhân dân thành phố để xem xét nâng lên thêm.

Số tiền này chưa tính đến tiền thưởng theo quy định. Chẳng hạn Tổng cục Thể dục Thể thao thưởng theo chế độ 45 triệu đồng/Huy chương vàng và mức thưởng của TPHCM ngang bằng với Nhà nước.

Gần đây, mức thưởng của Tổng cục Thể dục Thể thao có nâng lên nhưng cho các giải như vô địch thế giới, ASIAD, còn các giải ở Đông Nam Á còn thấp hơn. Với TPHCM, chúng tôi hướng đến việc vẫn giữ nguyên chế độ cho vận động viên. Đối với thể thao người khuyết tật cũng vậy, chúng tôi thưởng ngang bằng.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của thể thao TPHCM trong việc nâng cao vị thế của địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế, xã hội?

- Thời gian gần đây, kinh tế thể thao ở địa phương cũng có sự phát triển. TPHCM hiện có trên 600 doanh nghiệp thể thao, đặc biệt là các môn thể thao có thể làm kinh tế được như cầu lông, bóng rổ, gym… Chưa kể, hàng loạt cơ sở kinh tế thể thao nằm ở cấp quận và thấp hơn, theo báo cáo có đến trên 2.000. Đây là tín hiệu góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Dĩ nhiên, TPHCM vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Ngoài ra, thể thao thành tích cao có vai trò rất quan trọng trong việc giới thiệu hình ảnh của địa phương đó đến bạn bè quốc tế. Vì thế, khi vận động viên đoạt được huy chương ở cấp độ khu vực, châu lục hay thế giới, hình ảnh của TPHCM sẽ được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến.

Thể thao TPHCM được biết đến luôn năng động, sáng tạo, đi đầu so với các địa phương khác trong cả nước. Điều này sẽ được thể hiện thế nào trong quá trình thực hiện đề án phát triển ngành thể thao thành phố đến năm 2030 và định hướng đến năm 2035?

- Đề án này có những mục tiêu chính như sau: Trước tiên, chúng tôi phải tập trung khắc phục, sửa chữa việc thiếu thốn cơ sở vật chất cho thể thao, đánh giá lại quỹ đất dành cho thể thao.

Giai đoạn đầu tiên, từ năm 2021 đến năm 2025, TPHCM phấn đấu làm sao tháo gỡ để xây dựng xong Nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Trung tâm Thể dục thể thao Phú Thọ phải hoàn thành xong quy hoạch 1/500. Song song với đó là lập các dự án đầu tư nhà tập, một số sân bãi ngoài trời theo quy hoạch đã được duyệt. Đối với Trung tâm thể thao Rạch Chiếc, chúng tôi phấn đấu đền bù, giải tỏa, có quỹ đất sạch đến năm 2025, hoàn thành quy hoạch 1/2.000.

Hình thành Trung tâm tập luyện và đào tạo vận động viên năng khiếu thể thao TPHCM, dự kiến đặt tại số 2 Đinh Tiên Hoàng (tức Trung tâm Hoa Lư hiện tại). Đối với các trung tâm, cơ sở vật chất thể thao còn lại trực thuộc sở như Trung tâm Thống Nhất, Yết Kiêu, Phú Thọ, Thanh Đa, chúng tôi sẽ cải tạo, sửa chữa, nâng cấp để chuẩn bị cho việc xin đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc vào tháng 11.2022.

Về hoạt động, trong giai đoạn đầu đến năm 2025, chúng tôi tiến hành Đại hội thể thao các cấp và phấn đấu đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc. Sau khi dịch COVID-19 ổn định và được kiểm soát, những giải đấu thể thao quốc tế truyền thống của TPHCM sẽ được tổ chức lại như giải bóng bàn Cây vợt vàng, giải cờ vua quốc tế, giải billiard carom 3 băng World Cup, giải cầu lông quốc tế… Đây là những giải thể thao có tiếng mà bạn bè quốc tế rất khâm phục nên chúng tôi sẽ duy trì và phát triển. Ngoài ra, chúng tôi cũng suy nghĩ đến việc tham dự những Đại hội thể thao chính thống mà Việt Nam chưa đủ điều kiện tham gia nhưng chúng tôi có điều kiện sẽ tham dự, như Olympic mùa Đông năm 2022 tại Bắc Kinh.

Thể thao không chỉ có thắng thua mà còn phải giới thiệu mình với thế giới. Với nhiều kỳ đại hội, chỉ riêng việc xuất hiện không cũng là điều rất đặc biệt. Như năm 2017, Đoàn Việt Nam dự Đại hội thể thao mùa Đông Châu Á ở Sapporo, Nhật Bản, các quốc gia khác đã rất khâm phục rồi. Ngoài ra, những Đại hội thể thao biển, Đại hội võ thuật và thể thao trong nhà, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho các vận động viên mình thi đấu, giới thiệu mình với thế giới.

Về phong trào, chúng tôi sẽ thực hiện những kế hoạch lớn như: Cuộc vận động toàn dân rèn luyện sức khoẻ theo gương Bác Hồ vĩ đại; Toàn dân tập bơi phòng chống đuối nước; Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân. Các khu vực thể thao công cộng tại các khu phố, khu dân cư hoặc dân cư cũng được nâng lên, không chỉ dừng lại ở việc có các dụng cụ tập luyện đơn thuần.

Việc phát triển các môn thể thao mới được thực hiện như thế nào?

- Chúng tôi đã hình thành các Liên đoàn thể thao mới như dù lượn, cricket, hockey, bóng chày, kiếm đạo… Sắp tới sẽ thành lập Liên đoàn thể thao điện tử. Thể thao phải đổi mới, đa dạng hoá các môn mới, tiếp cận với xu thế và thị hiếu của giới trẻ, đặc biệt là thể thao giải trí, mạo hiểm, bên cạnh những môn thể thao truyền thống.

- Xin cảm ơn!

Tại SEA Games 30 (2019), thể thao TPHCM đóng góp 109 vận động viên, mang về 13 Huy chương vàng, 9 Huy chương bạc và 24 Huy chương đồng vào thành tích chung của đoàn Thể thao Việt Nam (98 Huy chương vàng, 85 Huy chương bạc, 105 Huy chương đồng).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn