MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đội tuyển Cầu mây nữ tại ASIAD 19. Ảnh: Bùi Lượng

Thể thao Việt Nam cần chuẩn bị cho Olympic 2024 ngay từ bây giờ

HOÀI VIỆT LDO | 10/10/2023 09:36

Ngày 9.10, đoàn thể thao Việt Nam chính thức rời Hàng Châu (Trung Quốc) về nước sau hành trình tranh tài tại ASIAD 19. Ngay trong tuần này, dự kiến cấp quản lý Cục Thể dục Thể thao sẽ có những buổi làm việc cụ thể cùng đại diện các bộ môn có đội tuyển thi đấu ASIAD 19 để đánh giá, phân tích về kết quả đã đạt được.

Chuẩn bị cho Olympic

Trước khi lên đường dự ASIAD 19, tại lễ xuất quân của Đoàn thể thao Việt Nam, Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt đồng thời là trưởng đoàn đã xác nhận “các đội tuyển thể thao quốc gia thi đấu ở ASIAD 19 lần này ngoài kết quả huy chương và nỗ lực vượt lên chính mình thì cũng có nhiệm vụ song hành là giành được thêm suất chính thức dự Olympic năm 2024”.

Chúng ta đã thi đấu các môn thuộc nhóm Olympic tại ASIAD 19 lần này gồm: Bắn súng, bơi, cử tạ, cầu lông, xe đạp, bóng chuyền, bóng đá, tennis, judo, vật, taekwondo, boxing, bắn cung, nhảy breaking, thể dục dụng cụ, điền kinh. Chỉ duy nhất tuyển thủ Nguyễn Huy Hoàng (bơi) giành được chuẩn Olympic trong nội dung 800m tự do và có suất chính thức dự Olympic năm 2024.

“Asian Games và Olympic là 2 đấu trường đỉnh cao của châu lục và thế giới. Để đầu tư đạt được thành tích tại 2 đấu trường lớn nhất này chúng ta xác định còn rất nhiều việc phải làm. Các nhà nghiên cứu về khoa học Thể dục Thể thao trên thế giới đã chỉ ra rằng, thể thao thành tích cao chính là sự cạnh tranh quyết liệt của những nền kinh tế lớn.

Tại đấu trường Olympic, sự cạnh tranh đó sẽ diễn ra giữa các nền thể thao của những nền kinh tế lớn trên thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, như bảng tổng sắp của Olympic Tokyo 2020. Ở ASIAD, sẽ là cuộc cạnh tranh của các nền kinh tế lớn nhất châu lục là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây cũng là ba cường quốc dẫn đầu tại ASIAD 19”, ông Đặng Hà Việt đã có phân tích khi trả lời báo chí tại Hàng Châu (Trung Quốc) giới ngay sau khi ASIAD 19 kết thúc.

Tại ASIAD năm 2018, chúng ta đạt kết quả 4 Huy chương Vàng (còn chờ một Huy chương Vàng nội dung 400m rào của Quách Thị Lan được công bố chính thức), 15 Huy chương Bạc, 19 Huy chương Đồng nhưng ngay sau đó thể thao Việt Nam dự Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020 chỉ có 18 tuyển thủ nhưng không giành tấm huy chương nào.

Những con số để thấy đúng như phân tích của lãnh đạo ngành thể thao rằng, khoảng cách chuyên môn thành tích giữa SEA Games với ASIAD đã là khác biệt và khoảng cách giữa ASIAD với Olympic cũng rất khác xa nhau. Sau đây một năm, thể thao Việt Nam có giành được huy chương tại Olympic Paris (Pháp) 2024 hay không sẽ là câu hỏi rất khó trả lời.

Làm sao để hiệu quả?

Thực tế, nhà quản lý biết được khó khăn của thể thao để giành huy chương tại đấu trường châu Á và thế giới. Trong quá trình chuẩn bị của 31 đội tuyển thể thao Việt Nam hướng đến tranh tài ASIAD 19, nhiều đội tuyển thể thao trọng điểm và nhiều tuyển thủ của nội dung trọng điểm được tập huấn dài ngày, thi đấu các giải quốc tế nhằm tích lũy tăng cường chuyên môn.

Mấu chốt vẫn là con người. Chúng ta không có tuyển thủ ở trình độ cao nhất của thế giới. Nhà quản lý thể thao rất muốn tháo gỡ nhưng không thể giải quyết ngay tức thì. Đào tạo vận động viên và tìm kiếm tài năng cần thời gian lâu dài.

Việc thay đổi mô hình từ Tổng cục Thể dục Thể thao xuống Cục Thể dục Thể thao ít nhiều khiến hoạt động về thể thao gặp khó khăn và điều ấy trực tiếp những người làm nghề đã xác nhận. Thêm nữa, chúng ta rất muốn đẩy mạnh công tác xã hội hóa để các Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao tìm thêm nguồn lực đầu tư cho các hoạt động thể thao và đào tạo cho các đội tuyển thể thao quốc gia nhưng không nhiều Liên đoàn, Hiệp hội thể thao hoạt động hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn