MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vận động viên Bùi Thị Thu Thảo không thể bảo vệ tấm huy chương vàng nhảy xa tại ASIAD 19. Ảnh: Bùi Lượng

Thể thao Việt Nam cần thay đổi, định hướng gì sau ASIAD 19?

MINH PHONG LDO | 11/10/2023 18:49

Sau thành tích còn những hạn chế tại ASIAD 19, thể thao Việt Nam cần vạch ra định hướng rõ ràng để tập trung đầu tư, cải thiện chuyên môn của các vận động viên.

Năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt "Quy hoạch phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng tới năm 2030" ghi rõ về mặt thành tích thi đấu quốc tế:

Đối với Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games): Năm 2013 đạt 70-90 huy chương vàng, xếp hạng 2-3 toàn đoàn; các năm 2015, 2017, 2019 xếp hạng 1-3 toàn đoàn; giai đoạn 2020-2030 phấn đấu xếp hạng 1-2 toàn đoàn.

Đối với Đại hội thể thao châu Á (ASIAD): Năm 2014 đạt 2-3 huy chương vàng, xếp hạng 15-20 toàn đoàn; năm 2018 đạt 10-15 huy chương vàng, xếp hạng 10-15 toàn đoàn; giai đoạn 2020-2030 phấn đấu xếp hạng trong nhóm 10 nước dẫn đầu châu lục.

Đối với Thế vận hội Olympic: Năm 2016 có 30-40 vận động viên tham dự, đạt 1-2 huy chương; giai đoạn 2020-2030 có 30-50 vận động viên tham dự, đạt trên 2 huy chương, phấn đấu có huy chương vàng.

Tuy nhiên, nếu chiếu theo thành tích tại ASIAD 19, thể thao Việt Nam chưa thể hoàn thành chỉ tiêu theo Quy hoạch phát triển đã đề ra. Chúng ta chỉ giành 3 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 19 huy chương đồng, xếp hạng thứ 21.

Ông Trần Đức Phấn - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết: "Cơ bản chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ giành 2-5 huy chương vàng tại Đại hội năm nay. Tuy nhiên, theo thống kê trong 10 kì ASIAD gần nhất, Việt Nam chưa lần nào vươn lên vị trí thứ 4 trong số các nước Đông Nam Á, chỉ đứng thứ 5 hoặc 6.

Câu chuyện này liên quan đến vấn đề đầu tư cho các môn thể thao, đặc biệt là một số nội dung dự kiến có thể tranh chấp ở đấu trường lớn. Các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, họ có kế hoạch đầu tư đi trước chúng ta nhiều năm, chú trọng vào đấu trường ASIAD và Olympic nên số lượng huy chương vàng nhiều hơn".

Kình ngư Nguyên Huy Hoàng đạt chuẩn A tham dự Olympic nội dung 800m tự do. Ảnh: Bùi Lượng

Về định hướng phát triển thể thao trong thời gian tới, ông Trần Đức Phấn nêu quan điểm: "Thực tế, thể thao Việt Nam đã nhìn nhận được vấn đề này từ lâu, nhưng chưa có điều kiện để làm. Trong chiến lược trình Chính phủ phê duyệt thì ngành thể thao đã xây dựng kế hoạch đầu tư cho ASIAD và Olympic, lấy đấu trường ASIAD làm trung tâm để phấn đấu.

Ví dụ như Thái Lan, họ luôn luôn nằm trong top 10 ASIAD, Indonesia cũng nhiều lần đạt thành tích tốt. Hiện nay, chúng ta mới bắt đầu đầu tư cho đấu trường lớn. Hy vọng trong thời gian tới đây, thể thao Việt Nam xác định lại mục tiêu và chỉ tiêu, nhiệm vụ để có thể tập trung đầu tư giành huy chương vàng tại ASIAD nhiều hơn.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn là cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu chưa tốt, còn nhiều hạn chế trong việc nâng cao thành tích với các vận động viên.

Điển hình như môn bắn súng, như trước đây, khi chưa có trường bắn chuẩn thì cựu xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và một số vận động viên chủ chốt đều phải gửi tập huấn ở nước ngoài. Dù vậy, SEA Games 31 chúng ta có trường bắn hiện đại đạt chuẩn, có điều kiện tập luyện thì thành tích tốt ngay".

Theo ông Phấn, hiện tại, thể thao Việt Nam cần định hướng rõ ràng hơn là tập trung cho đấu trường ASIAD, đầu tư trọng điểm một vài môn/nội dung thi đấu có trong chương trình Olympic để cải thiện thành tích trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn