MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực sĩ Trịnh Văn Vinh (cử tạ). Ảnh: TTXVN

Thể thao Việt Nam chưa đủ mạnh ở Olympic

HOÀI VIỆT LDO | 09/08/2024 06:30

Chúng ta tiếp tục không giành được huy chương tại kỳ Olympic Paris (Pháp) 2024 và thực tế phải nhìn nhận là nền thể thao Việt Nam chưa đủ mạnh, đủ lực chinh phục đấu trường này.

Cơ hội nào của chúng ta

Trước khi lên đường đi Olympic Paris 2024, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam - ông Đặng Hà Việt - đã chia sẻ trước báo giới rằng: “Olympic là đấu trường có sự cạnh tranh chuyên môn quyết liệt của nhiều tuyển thủ giỏi tất cả các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, đấu trường này là sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn. Thành tích thể thao ở nhiều đấu trường lớn như ASIAD hay Olympic sẽ phản ánh, đánh giá sự phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia và nền phát triển khoa học kỹ thuật tiên tiến, khả năng đầu tư, sự quan tâm của các quốc gia vào lĩnh vực thể thao...”.

Chúng ta đặt mục tiêu phấn đấu giành huy chương tại kỳ thi đấu lần này. Rốt cuộc, không tuyển thủ nào trong 16 người tranh tài ở 11 môn thể thao (điền kinh, bơi, cử tạ, xe đạp, bắn súng, bắn cung, cầu lông, judo, boxing, canoeing, rowing) giành được huy chương cho thể thao Việt Nam.

Dự Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020 trước đó, chúng ta đã có 18 tuyển thủ tham dự và không ai đạt được huy chương. Như vậy, tại hai kỳ Olympic liên tiếp, thể thao Việt Nam “trắng tay” trên đấu trường thi đấu danh giá nhất của thể thao thế giới.

Nhìn ra các nền thể thao khác của khu vực Đông Nam Á, các đoàn thể thao Thái Lan, Philippines đã giành được Huy chương Vàng tại Olympic Paris 2024. Các đoàn thể thao Malaysia, Indonesia giành được huy chương tại Paris lần này.

Thể thao Việt Nam dự 19 nội dung tại Olympic Paris 2024 nghĩa là có 19 cơ hội để tranh huy chương. Chúng ta chạm tay gần nhất vào một tấm huy chương Olympic lần này là ở môn bắn súng trong nội dung 10m súng ngắn hơi nữ. Xạ thủ Trịnh Thu Vinh kết thúc bài bắn chung kết với vị trí hạng tư, không giành được huy chương.

Còn bắn cung và cử tạ không đạt được kết quả như kỳ vọng khi Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Lê Quốc Phong (bắn cung) bị loại ngay vòng đầu khi đấu loại trực tiếp; Trịnh Văn Vinh (cử tạ) rơi tạ nên không đạt thành tích chung cuộc. 11 quốc gia Đông Nam Á đã có tổng 182 tuyển thủ dự Olympic Paris 2024 trong các môn thể thao. Việt Nam là quốc gia đứng đầu SEA Games 32 nhưng liên tiếp các kỳ ASIAD 19, Olympic Paris 2024 thì chúng ta không thể đứng trong nhóm 4 quốc gia Đông Nam Á đạt thành tích tốt nhất.

Vì sao nên nỗi?

Khi đặt câu hỏi rằng thể thao Việt Nam sẽ làm gì để có sự thay đổi, nâng tầm hơn khi thi đấu ASIAD hay Olympic, chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh từng bày tỏ “chúng ta cần phải đánh giá kỹ lưỡng về từng nội dung, từng môn thể thao mà vận động viên Việt Nam có khả năng tranh chấp thành tích cao trên đấu trường thế giới. Từ đó, chúng ta nên đầu tư tập trung vào số lượng môn cụ thể, trọng điểm thay vì dàn trải. Hẳn nhiên, đi cùng với đó không chỉ là vận động viên mà còn các yếu tố phụ trợ như dinh dưỡng thuốc men, cơ sở vật chất tập luyện và kế hoạch chương trình tập huấn...”.

Thể thao Việt Nam mất 8 năm để chuẩn bị và thi đấu đối với kỳ Olympic Tokyo 2020 và Olympic Paris 2024. Tuy vậy, kết quả vẫn là con số 0 về thành tích huy chương. Sau Olympic tại Nhật Bản, nhà quản lý từng đưa các phân tích nhằm rút kinh nghiệm để có sự đầu tư lại. Tuy nhiên, thực tế kết quả thi đấu ở Olympic Paris 2024 đã khẳng định sự đầu tư và việc thực hiện cho thể thao thành tích cao chưa hiệu quả.

Chúng ta sớm dự báo hai môn có triển vọng nhất là cử tạ, bắn súng sẽ đủ cơ hội tranh huy chương tại Olympic Tokyo 2020 và Olympic Paris 2024 nhưng đổi lại sau thi đấu, cùng kết quả không giành được huy chương thì các ban huấn luyện cùng nhà quản lý chỉ đưa ra sự cảm thán quen thuộc là: Tiếc nuối! Bây giờ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Cục Thể dục - Thể thao đã phải xây dựng lộ trình mới cho Olympic Los Angeles (Mỹ) 2028...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn