MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thể thao Việt Nam chuyển hướng đầu tư: Liệu có đi vào lối mòn cũ?

ĐÌNH CHIẾN LDO | 11/10/2021 09:51
Ngành thể dục thể thao khẳng định, chiến lược và định hướng đầu tư cho thể thao thành tích cao từ bây giờ sẽ thay đổi với trọng tâm lấy đấu trường Olympic và ASIAD để khẳng định vị thế đồng thời đã thi đấu giải trên sẽ giành huy chương.

Định hướng này, Tổng cục Thể dục Thể thao sẽ tham vấn chuyên môn với lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch khi xây dựng Đề án Chiến lược phát triển Thể dục - Thể thao năm 2021 đến 2030 và định hướng đến năm 2050.

Vẫn là 3 con đường cho một mục tiêu?

Trong cuộc gặp gỡ báo chí định kỳ đầu tháng 10, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục-Thể thao Trần Đức Phấn nói rõ: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch ASIAD 2022 định hướng cho Olympic Paris (Pháp) 2024. Về định hướng và mục tiêu chiến lược cho thể thao thành tích cao nói chung, thể thao Việt Nam sẽ hướng tới giải  pháp mục tiêu phải lấy được Huy chương Vàng ở một số môn Olympic trong chương trình thi đấu ASIAD 2022 qua đó nhắm mục tiêu giành huy chương tại Olympic trong một hoặc hai chu kỳ tiếp theo. Ưu tiên của việc đầu tư chuyên môn hướng vào đấu trường Olympic (số một), ASIAD (số 2), và số 3 mới là SEA Games. Và nó liên quan tới quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu trong Chiến lược thể thao thành tích cao từ năm 2021 đến 2030 và định hướng đến năm 2050. Điều này sẽ khác với Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam trước đây”.

Người phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao khẳng định thêm: “Muốn xây dựng được hình ảnh của Việt Nam trên đấu trường thế giới thì phải có thành tích ở các đấu trường lớn. Từ thực tế qua Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020, chúng tôi thấy thể lực tầm vóc của vận động viên Việt Nam với các môn sức nhanh, mạnh, sức bền, độ khó cao thì rất khó lấy được huy chương. Hình thể của vận động viên nước ngoài hơn hẳn Việt Nam”.

Trước đây, ngành thể thao chọn hướng đấu tư theo hình thức liên thông từ SEA Games (khu vực Đông Nam Á) đến ASIAD (Châu Á) rồi tiếp theo là Olympic (thế giới). 

Bây giờ, như định hướng mới, thể thao thành tích cao lựa chọn luôn con người cho Olympic.

 Về chiến lược, ông Phấn bày tỏ triển khai theo hướng này là ưu tiên và việc chọn trọng điểm đầu tư, tấn công ASIAD là mục tiêu (một số môn là phải giành huy chương vàng) rồi hướng đến Olympic.

Chiến lược liệu có khác với trước hay nội dung vẫn như vậy hay việc thay đổi chỉ là hình thức chọn giải nào tập trung đầu tư hơn (?). 

Điều quan trọng mà lãnh đạo ngành thể thao không chia sẻ là khi tới SEA Games, những tuyển thủ chủ chốt được phép bỏ qua không thi đấu và chỉ tập trung cho ASIAD, Olympic hay không?

Mục tiêu 4 huy chương vàng ASIAD

Ông Phấn cho biết, thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu giành từ 3-4 Huy chương Vàng tại ASIAD 2022 sẽ thi đấu năm sau tại Trung Quốc. Bốn năm trước, thể thao Việt Nam đã giành 5 Huy chương Vàng với thành tích ở môn điền kinh (hai chiếc, Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo), đua thuyền rowing đồng đội nữ bốn tay chèo, võ pencak silat (hai chiếc, Trần Đình Nam, Nguyễn Văn Trí).

Dù thế, lãnh đạo ngành cho biết, thể thao Việt Nam gặp thế khó vì võ pencak silat không nằm trong chương trình thi đấu ASIAD 2022 nên phải có phương án khác về mục tiêu giành Huy chương Vàng. 

Cho dù, chúng ta khẳng định ưu tiên số một phải là giành được huy chương ở nhóm môn Olympic tại đại hội. Trong năm Huy chương Vàng chúng ta có tại ASIAD 2018, kết quả của Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa) và đồng đội đua thuyền rowing nữ là thành tích đáng nể phục vì môn thi đấu thuộc chương trình Olympic. 

Quách Thị Lan có Huy chương Vàng và thành tích được trao muộn sau một năm do người về nhất khi đó dương tính doping nên tuyển thủ của Việt Nam hưởng lợi.

Việt Nam đã thi đấu các môn boxing, taekwondo, bắn súng, điền kinh, bắn cung, đua thuyền, rowing, judo, cử tạ, cầu lông, thể dục dụng cụ tại Olympic Tokyo 2020. Phải khẳng định, vận động viên của Châu Á trong những môn này rất mạnh nên tuyển thủ Việt Nam muốn giành được Huy chương Vàng tại ASIAD là khó. 

Huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung (bắn súng) từng chia sẻ, nếu chủ nhà Trung Quốc của ASIAD 2022 vẫn giữ nguyên số nội dung thi đấu của môn này như tại Olympic Tokyo 2020 thì bắn súng Việt Nam khó giành được Huy chương Vàng.

Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao: “Do năm 2021 ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên chúng tôi sẽ có sự chuẩn bị lồng ghép vận động viên SEA Games 31 để tiếp tục cho ASIAD năm sau. Chúng ta sẽ chuẩn bị như vậy và sau khi thi đấu SEA Games 31 xong sẽ có sự điều chỉnh. Olympic là đấu trường quan trọng không thể chuẩn bị ngắn mà cần dài hơi theo chu kỳ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn