MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đội tuyển bắn cung Việt Nam. Ảnh: Bùi Lượng

Thể thao Việt Nam tập trung tuyển chọn vận động viên

HOÀI VIỆT LDO | 19/02/2024 07:41

Năm 2024 được xem là năm quan trọng có tính chất bản lề để ngành thể thao chuẩn bị lực lượng vận động viên hướng đến các đấu trường thể thao thành tích cao các năm tiếp theo.

Trọng tâm với ba nhóm tuyển chọn

Ngành thể thao có kế hoạch tuyển chọn quân số vận động viên để xây dựng lực lượng lâu dài. Theo kế hoạch đặt ra, Cục Thể dục Thể thao sẽ thực hiện việc xây dựng kế hoạch tuyển chọn ba nhóm vận động viên cơ bản gồm Nhóm thứ nhất (nhóm vận động viên tập huấn dài hạn ở nước ngoài, khoảng 30 tuyển thủ xuất sắc, có khả năng tranh chấp Huy chương Vàng ASIAD 20 và đạt chuẩn tham dự Olympic từ năm đến sáu môn thể thao trọng điểm); Nhóm thứ hai (nhóm tuyển thủ kết hợp tập huấn trong nước và cử đi tập huấn, thi đấu dài hạn ở nước ngoài theo chế độ đặc thù, trong đó có khoảng 150 vận động viên của 9 đến 10 môn thể thao có khả năng giành huy chương ASIAD các môn đã bao gồm các môn trong nhóm SEA Games, ASIAD và Olympic); Nhóm thứ ba (nhóm tuyển thủ tập huấn trong nước và cử đi tập huấn, thi đấu ngắn hạn ở nước ngoài theo chế độ hiện hành và các nguồn xã hội hóa được quan tâm như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, golf).

Theo kỳ vọng, nhóm tuyển thủ trọng điểm hướng tới khả năng tranh chấp huy chương ASIAD 20 năm 2026 và dự báo đạt chuẩn Olympic năm 2024, Olympic năm 2028 được sự ưu tiên cao nhất nhận mọi đầu tư, trong đó có các kế hoạch tập huấn, thi đấu dài hạn ở nước ngoài tại nơi có sự phát triển ở nội dung và môn thể thao đó.

Thực tế, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu hướng đến phát triển thành tích cao nhất tại ASIAD và Olympic vào những năm tiếp theo. Trước mắt, chúng ta kỳ vọng giành được từ 12 đến 15 suất Olympic trực tiếp dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Dẫu thế, đạt được mục tiêu, thể thao Việt Nam phải dựa trên lực lượng vận động viên đang có.

Qua nhiều năm, từ giai đoạn những Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Thị Ánh Viên đã đi qua thì thể thao Việt Nam chưa xây dựng được tuyển thủ nào là ngôi sao hay biểu tượng của thể thao nước nhà để tạo cảm hứng và có các nguồn lực đầu tư tương xứng.

Định hướng cụ thể

Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 70-KL/TW ngày 31.1.2024 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới. Trong đó, một trong những nội dung được đề ra cụ thể với thể thao thành tích cao là: “Tập trung phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao, hoàn thiện hệ thống phát hiện, đào tạo vận động viên, thi đấu thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao trình độ quốc gia, quốc tế, nhất là các môn thể thao Olympic trọng điểm”.

Sau ASIAD 19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 (tháng 12.2023) và hướng vào chủ đề nâng tầm ASIAD, khát vọng Olympic. Điều đó để thấy, chúng ta rất chú trọng công tác đầu tư trọng điểm cho thể thao thành tích cao nhằm đạt được các mục tiêu thành tích chuyên môn.

Bài toán đang được đặt ra, ngành thể thao sẽ có sự chuẩn bị lực lượng như thế nào không chỉ với Olympic Paris (Pháp) 2024 mà còn hướng tới Olympic năm 2028, Olympic năm 2032 rồi ASIAD 20, ASIAD 21? Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2019.

Đây là một trong những chương trình hoạt động đặc thù để ngành thể thao có định hướng tuyển chọn lực lượng huấn luyện viên, vận động viên đối với thể thao thành tích cao. Mục tiêu của Đề án về đào tạo huấn luyện thể thao thành tích cao là phấn đấu tới năm 2035 sẽ tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 3.700 vận động viên đội tuyển quốc gia (trong đó khoảng 400 vận động viên đạt thành tích quốc tế), đồng thời tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng khoảng 600 huấn luyện viên tài năng (trong đó khoảng 60 huấn luyện cao cấp).

Ở mục tiêu về đào tạo bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao, Đề án hướng tới năm 2035 sẽ tuyển chọn đào tạo khoảng 400 cử nhân, 300 thạc sĩ, 150 tiến sĩ đồng thời bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho khoảng 680 người. Cục Thể dục Thể thao đã làm việc cụ thể với các bộ môn để thực hiện triển khai Đề án theo hai giai đoạn là năm 2019-2025 và giai đoạn năm 2026-2035.

Nghĩa là, qua từng năm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, thể thao Việt Nam phải có sự tuyển chọn rồi đào tạo lực lượng như mục tiêu đề ra. Về điều này, lãnh đạo Cục Thể dục Thể thao từng phân tích trên hết phải có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyển chọn con người từ cơ sở (là địa phương) với Trung ương (là Cục Thể dục Thể thao, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao) thì mới đạt được kết quả tốt nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn