MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thể thao Việt Nam trắng tay tại Olympic Tokyo: Vì sao và cần thay đổi gì?

VIỆT HÙNG LDO | 30/07/2021 08:07
Những chia sẻ, lý giải của ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - về nguyên nhân đoàn thể thao Việt Nam không có thành tích tốt tại Olympic Tokyo.

Những khó khăn để đặt chân được đến Olympic

“Ủy ban Olympic quốc tế sau khi thống nhất với Ủy ban Olympic mỗi quốc gia đã thống nhất đặt ra các tiêu chuẩn cao để tuyển chọn vận động viên tham dự Thế vận hội.

Trong bối cảnh những năm trở lại đây, trình độ thể thao tại Olympic không ngừng tăng cao. Do đó, Olympic là nơi tập hợp các nhà vô địch châu lục, những nhà vô địch thế giới của mỗi môn và những vận động viên vượt qua được những vòng loại gắt gao của mỗi liên đoàn quốc tế.

Liên đoàn Thể thao quốc tế (khu vực, châu lục) có tiêu chuẩn rất cao, không phải ai cũng qua được. Ví dụ như Nguyễn Thị Thu Thảo môn nhảy xa, chị ấy nhảy được tới 6,5m nhưng vẫn còn kém tiêu chí để được đến Olympic khoảng 0,2m.

Vì vậy, 11.000 vận động viên đến Olympic Tokyo lần này, bên cạnh những nhà vô địch thế giới hay cựu vô địch Olympic, họ đều có trình độ rất cao.

Việc chuẩn bị cho các vận động viên thi đấu tại Olympic là quá trình dài hơi, phải từ 8-10 năm. Như vậy, nếu muốn một vận động viên tham dự hoặc có thành tích, ít nhất chúng ta đã phải có kế hoạch chuẩn bị trong 6 năm.

Dịch COVID-19 lần này ảnh hưởng lớn đến các vận động viên Việt Nam khi chúng ta không thể có các cuộc giao hữu quốc tế cũng như tổ chức thi tuyển chọn. Như trường hợp của kiếm thủ Vũ Thành An, nếu cậu ấy được tham dự 1 cuộc tuyển chọn, có khả năng rất cao được đi Olympic nhưng cuối cùng phải ngồi nhà” - ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ.

“Dịch bệnh đã khiến công tác chuẩn bị, thi đấu tiền Olympic của tất cả các đội, không riêng gì đội cử tạ bị ảnh hưởng.

Khoa học đã chứng minh, với những vận động viên trong các môn cần tốc độ và sức mạnh, nếu chỉ nghỉ tập từ 3 - 5 buổi, hiệu quả tập luyện sẽ giảm từ 2% - 6,5%. Ví dụ một đô cử nâng tối đa được 100kg, nếu nghỉ 1 tuần sẽ không thể nâng được thành tích đó, phải cần tập thêm vài ngày mới có thể trở lại thành tích. Có thể thấy, việc tập luyện không hệ thống đã ảnh hưởng trực tiếp.

Một ý nữa rất quan trọng, đó là truyền thông đã cho người hâm mộ thấy viễn cảnh những vận động viên của Việt Nam tham dự Olympic Tokyo có thể giành được huy chương. Trong điều kiện khó khăn như hiện tại, nếu chúng ta giành được huy chương là phi thường còn không là bình thường” - ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ.

Dịch bệnh không hẳn là lý do

“Quá trình chuẩn bị của chúng ta cho Olympic lần này không nằm ở quãng thời gian bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nó phải thực hiện ngay từ sau Rio 2016, xa hơn là London 2012. Đó là minh chứng cho việc chuẩn bị chưa có chiến lược và chưa rõ ràng. Với những người nghiên cứu về thể thao như chúng tôi đều có quan điểm rằng, lần này khả năng các vận động viên giành huy chương gần như bằng 0.

Tại sao Nguyễn Tiến Minh 38 tuổi, Hoàng Xuân Vinh 47 tuổi vẫn phải thi đấu? Đó là do chúng ta chưa có chiến lược để đào tạo vận động viên trẻ đạt đến trình độ để tranh tài Olympic?

Ánh Viên năm nay 25 tuổi (qua đỉnh cao). Trong nước, có những giải đấu Ánh Viên phải tham gia tới 25 - 27 nội dung. Còn tại SEA Games, Ánh Viên cũng phải chơi hơn 10 nội dung. Như vậy, chúng ta đang bị trải dài về thành tích chứ không biết cách tập trung cho Olympic.

Ở trình độ cao phải đầu tư chuyên nghiệp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, dinh dưỡng tốt... đó là hệ thống chặt chẽ trong nhiều năm, chúng ta chưa làm được điều đó. Một điều nữa là tâm lý của các vận động viên không tốt.

Chúng ta có chờ đợi may mắn và cần làm điều gì?

“Nhìn lại trường hợp của Hoàng Xuân Vinh năm 2016, tỉ lệ may mắn là có nhưng rất ít. Đó là kết quả của 23 - 24 năm cầm súng của Xuân Vinh. May mắn của anh ấy khi đó ở chỗ, những đối thủ thường xuyên thắng anh Vinh trong quá khứ lại không thành công.

Đó là kết quả của quá trình, cơ sở của thể thao phải là tập luyện có hệ thống. Đặc biệt, chúng ta còn yếu về đầu tư trong thể thao thành tích cao, như cách làm hiện tại là không bao giờ đủ vì phụ thuộc hoàn toàn vào Chính phủ. Ở các quốc gia khác, nguồn xã hội hóa rất nhiều, Chính phủ chỉ cấp tiền khi đoàn đi thi đấu các giải quốc tế.

Lỗi ở đây không nằm ở các vị chủ tịch của các liên đoàn, nó nằm ở cơ chế và luật. Luật Thể dục thể thao quy định 10 nhiệm vụ của các Liên đoàn Thể thao quốc gia, nhưng trên thực tế, quản lý nhà nước đã không thúc đẩy nhanh quá trình chuyển giao 10 nhiệm vụ đó.

Sau năm 2012 không có huy chương, lãnh đạo ngành Thể thao Việt Nam đã có buổi tổng kết, đánh giá và tự đặt câu hỏi vì sao chúng ta chưa làm được. Bình luận viên gạo cội Trần Tiến Đức từng đặt ra vấn đề, đã đến lúc chúng ta cần nghiêm khắc xem xét lại công tác chuẩn bị để tham gia Olympic.

Sau sự kiện tại Tokyo lần này, có lẽ các nhà quản lý cũng cần có động thái tương tự” - ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ.

Thể thao Việt Nam cần đầu tư trọng điểm và cụ thể

“Các nhà làm thể thao phải căn cứ vào tình hình phát triển của khu vực và thế giới. Khi chúng tôi còn làm việc, đi sâu đến mức một số nội dung của một môn thể thao chứ không phải liệt kê một số môn. Khi đó, những môn được xác định cụ thể là cử tạ, điền kinh, taekwondo... và chọn được một vài nội dung trong đó. Ví dụ như Thái Lan có 10 Huy chương Vàng ở các kỳ thì có tới 5 cái thuộc về cử tạ, 4 cái của boxing và mới đây là taekwondo. Tôi biết, Thái Lan đã đầu tư hàng chục năm vào boxing, cử tạ và bắn cung...

Malaysia lựa chọn nhảy cầu, cầu lông hay như Philippines chọn cử tạ và boxing. Họ nhắm vào đó để đầu tư trọng điểm. Chúng ta cần nhìn vào những đối thủ ngay sát để học và tìm ra vấn đề cho riêng mình” - ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ.

“Chúng ta đã tham gia Olympic được 40 năm, đó là chặng đường rất dài từ Moscow 1980, nhưng Thể thao Việt Nam vẫn chưa xác định được mục tiêu rõ ràng. Mục tiêu không phải là số người đạt chuẩn để đến tham dự mà phải là thành tích thi đấu. Thành công hay không thành công nằm hoàn toàn ở việc có huy chương hay trắng tay” (Theo ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao).

Lịch thi đấu của thể thao Việt Nam ngày 29.7

Bắn cung: 11h37, vòng 1/16 cá nhân nam: Nguyễn Hoàng Phi Vũ - Tang Chih-Chun

Bơi: 17h, vòng loại 800m tự do nữ: Nguyễn Thị Ánh Viên

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn