MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thể thao Việt Nam trước nguy cơ không huy chương tại Olympic Tokyo 2020

MINH TRIẾT LDO | 28/07/2021 07:55

Đoàn thể thao Việt Nam không chịu áp lực chỉ tiêu Huy chương từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng điều đó không có nghĩa mục tiêu đến Tokyo chỉ là cọ xát, học hỏi.

Khi những biểu tượng đã chạm giới hạn

Trong số 18 vận động viên tranh tài của đoàn Việt Nam tranh tài tại Olympic Tokyo 2020, Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội) và Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) là những người nổi bật, gần như mang tiếng biểu tượng ở bộ môn tranh tài.

Với Hoàng Xuân Vinh, anh niềm tự hào của thể thao Việt Nam khi giành 1 HCV và 1 HCB tại Olympic Rio 2016. Tuy nhiên, đó đã là chuyện của 5 năm trước. Còn tại Tokyo, anh góp mặt theo suất phân bổ của Liên đoàn Bắn súng thế giới (ISSF) cho Việt Nam ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Ở tuổi 46, dù đã rất nỗ lực nhưng Hoàng Xuân Vinh vẫn phải dừng bước ở vòng loại khi đứng thứ 22/36 với 573 điểm.

Nhìn vào con số, đó là thành tích đáng buồn với nhà đương kim vô địch. Nhưng hãy nhìn cả người từng thất bại trước Vinh ở Olympic Rio 2016 - xạ thủ Felipe Almeida Wu (Brazil) cũng chỉ xếp thứ 32/36 với 566 điểm. Trong khi đó, tay súng có thành tích tốt nhất vòng loại là Saurabh Chaudhary (Ấn Độ) mới 19 tuổi, kém Hoàng Xuân Vinh tới hơn 2 con giáp. Một thế hệ mới của bắn súng đã xuất hiện còn thất bại của Hoàng Xuân Vinh như điều tất yếu, khi đã qua thời đỉnh cao và không thể vượt qua cái ngưỡng của chính bản thân.

Nguyễn Tiến Minh và Nguyễn Thị Ánh Viên chưa từng chạm tới vinh quang tại Olympic nhưng một người là tượng đài cầu lông Việt Nam hơn 15 năm qua, người còn lại gánh chỉ tiêu Huy chương cho bơi lội tại các đại hội thể thao khu vực.

Giờ ở độ tuổi 38, Tiến Minh vẫn phải "cày" giúp thể thao Việt Nam có chỉ tiêu dự Olympic. Thất bại 0-2 (14-21, 18-21) trước Dwicahyo Ade Resky ở trận cuối vòng bảng chính là minh chứng cho "nỗi đau tuổi tác". Tiến Minh hơn đối thủ tới 20 bậc trên bảng xếp hạng nhưng vẫn thua khi tay vợt 23 tuổi người Azerbaijan chọn đánh bền, đấu thể lực.

Kình ngư Ánh Viên mới 24 tuổi nhưng cũng không còn thuộc dạng "sung sức" đối với môn bơi lội. 5 năm trước, "tiểu tiên cá" đến Olympic Rio 2016 nhờ thành tích đạt chuẩn A, nhưng năm nay cô chỉ được xác nhận tham dự vào phút chót nhờ nằm trong nhóm đạt chuẩn B được chọn. Đó đã là một sự thụt lùi. Nhìn vào kết quả 2 phút 5 giây 30 tại vòng loại Olympic 2020, thực tại càng đáng buồn khi đó là thành tích tệ nhất trong sự nghiệp của Ánh Viên ở nội dung 200m tự do.

Những niềm hy vọng vụt tắt và thế hệ trẻ cần thời gian

Thực tế, đoàn thể thao Việt Nam vẫn đăng ký phấn đấu có Huy chương và niềm hy vọng hàng đầu đặt vào cử tạ. Truyền thông Mỹ cùng từng dự đoán, đô cử Hoàng Thị Duyên (25 tuổi) sẽ giành được 1 HCB ở nội dung 59kg nữ và Thạch Kim Tuấn (27 tuổi) giành 1 HCĐ nội dung 61kg nam.

Căn cứ vào thành tích gần của bộ đôi này, kỳ vọng đặt ra là xứng đáng. Hoàng Thị Duyên từng đạt mức tổng cử 216kg tại giải vô địch Châu Á 2021 hồi tháng 4. Trong khi đó, Thạch Kim Tuấn từng giành HCB SEA Games 30 với tổng cử 304kg. Khi đặt cạnh những người giành HCB và HCĐ tại các nội dung 59kg nữ và 61kg nam, năng lực của Duyên và Tuấn đủ sức cạnh tranh Huy chương nếu họ thể hiện được năng lực tốt nhất tại Olympic Tokyo 2020.

Thạch Kim Tuấn không thể hoàn thành phần thi cử đẩy với mức 150kg rồi 158kg, không được xếp hạng, còn Hoàng Thị Duyên thất bại ở mức tạ 119kg. Có nhiều nguyên nhân khiến bộ đôi này không thể hiện đúng năng lực, một trong số đó là áp lực tâm lý đè nặng.

Võ sĩ taekwondo Trương Thị Kim Tuyền cũng được kỳ vọng rất nhiều sau tấm HCV vô địch Châu Á 2021. Niềm tin được củng cố khi cô dễ dàng đánh bại đối thủ người Canada Yvette Yong ở ngày ra quân để bước vào tứ kết hạng cân 49kg. Thậm chí, dù gặp hạt giống số 1 là Panipak Wongpattanakit của Thái Lan, Kim Tuyền cũng đã khởi đầu tốt khi dẫn 9-3 ở hiệp 1. Tuy nhiên, sau cùng võ sĩ 24 tuổi vẫn phải nhận thất bại trước đối thủ trên cơ. "Cửa" tranh HCĐ cũng khép lại sau trận thua 1-22 trước võ sĩ Israel Abishag Semberg.

Khi những biểu tượng, niềm hy vọng lớn nhất của Thể thao Việt Nam đều thất bại, người ta cố nhìn vào những điểm tích cực. Đó có lẽ là màn trình diễn, kinh nghiệm gia tăng cho các vận động viên trẻ.

Ở bộ môn bắn cung, Đỗ Thị Ánh Nguyệt (20 tuổi) và Nguyễn Hoàng Phi Vũ (22 tuổi) vừa có kỳ Olympic đầu tiên trong sự nghiệp và còn thời gian để cải thiện trình độ. Dù chỉ xếp lần lượt 49/64 và 53/64 nhưng đó đều là nỗ lực của Nguyệt và Vũ sau 1 năm tập chay.

Ánh Viên đã bước qua thời kỳ đỉnh cao, Việt Nam lại còn một Nguyễn Huy Hoàng để hy vọng. Kình ngư 21 tuổi đường hoàng đến Olympic Tokyo với 2 suất chuẩn A. Ở nội dung 800m tự do, dù không vượt qua vòng loại, anh vẫn gây ấn tượng khi về nhì ở nhóm 2 với thành tích 7 phút 54 giây 16.

Ở bộ môn Rowing, Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo không thể giành vé vào bán kết nội dung thuyền đôi hạng nhẹ nhưng thành tích 7 phút 36 giây 21 cùng hạng 4 tại vòng loại cũng rất đáng ghi nhận. Quan trọng nhất, Thảo mới chỉ 21 tuổi còn Hảo cũng vừa 23, họ sẽ là nguồn vận động viên lâu dài trong tương lai của thể thao Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn