MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thể thao Việt Nam và doping: Không để “chết vì thiếu hiểu biết”

TAM NGUYÊN LDO | 15/09/2022 17:51

Phần nhiều những vụ doping của các vận động viên Việt Nam được lý giải là “thiếu hiểu biết”.

Cách đây 18 năm, thể thao Việt Nam chính thức tuyên chiến với doping khi Ủy ban Thể dục Thể thao ký vào Tuyên bố Copenhagen, trở thành quốc gia thứ 106 trên thế giới tham gia vào cuộc chiến chống lại việc sử dụng chất cấm trong thể thao. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong khoảng 2 thập kỷ, thể thao Việt Nam vẫn có những trường hợp vận động viên bị phát hiện dương tính với doping. 

Theo thông tin mới nhất, có gần 10 vận động viên của đội điền kinh và thể hình Việt Nam dương tính với doping trước, trong khi tham dự SEA Games 31, nâng tổng số trường hợp thể thao Việt Nam liên quan đến doping lên đến con số 24 trong vòng 19 năm qua.

Tại SEA Games 22 tổ chức ở Việt Nam, vụ dính doping đình đám của 4 vận động viên khiến đoàn thể thao Việt Nam bị tước 8 huy chương vàng, 1 huy chương bạc - Hoàng Hồng Anh (2 huy chương vàng môn Canoeing), Phạm Thị Dịu (3 huy chương vàng môn Lặn), Phạm Toàn Thắng (3 huy chương vàng môn Lặn) và Nguyễn Mai Quỳnh (huy chương bạc điền kinh). Vụ việc làm xấu đi hình ảnh của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế và cũng là cơ sở quan trọng để đi đến việc ký vào Tuyên bố Copenhagen. 

Ký kết Tuyên bố Copenhagen cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam Việt Nam công nhận tổ chức WADA (Tổ chức chống doping thế giới) và Bộ Luật Thế giới về chống chất kích thích. Tham gia vào hệ thống này, ngành thể thao và các vận động viên Việt Nam sẽ thu được rất nhiều lợi ích như được cập nhật các thông tin về danh mục các chất và các biện pháp bị cấm sử dụng trong hoạt động thể thao.

Thể thao Việt Nam cũng hướng đến mục tiêu “nền thể thao trong sạch” và “nói không với chất cấm”. Thế nhưng, điều bất ngờ là qua năm tháng, ngày càng nhiều trường hợp vận động viên bị nên tên, ở cả các giải trong nước lẫn quốc tế, thuộc đủ các bộ môn như thể hình, cử tạ, thể dục dụng cụ, futsal, lặn, canoeing, boxing, điền kinh.

Trong thời gian đầu, những trường hợp bị phát hiện được giải thích bởi khá nhiều lý do, trong đó, phần nhiều là chuyện vô tình (dùng thuốc chữa bệnh nhưng không tham khảo ý kiến bác sĩ). Nhưng nhìn thẳng vào vấn đề thì chính các vận động viên, huấn luyện viên Việt Nam còn thiếu hiểu biết, thậm chí là không quan tâm đến các kiến thức liên quan đến phòng, chống doping.

Như đã nói trên, tham gia Tuyên bố Copenhagen là được cập nhật danh mục các chất cấm, nhưng đôi khi việc cập nhật cũng không kịp thời, các vận động viên thiếu chuyên nghiệp trong việc ăn uống, sinh hoạt. Việc trình bày trước các cơ quan chức năng về việc vận động viên “vô tình” dính doping cũng không có nhiều tác dụng. Vận động viên vẫn bị các án phạt theo quy định, danh dự của thể thao quốc gia bị ảnh hưởng.

Nếu trong thời gian đầu, có thể lý giải bằng việc “thiếu hiểu biết” thì ở giai đoạn công nghệ phát triển, thông tin được cập nhật liên tục, thật khó để đổ tại thiếu thông tin. Thế nên, không chỉ các vận động viên hay huấn luyện viên mà các nhà quản lý cũng chịu trách nhiệm.

Chuyện dùng doping vì áp lực thành tích trong thể thao Việt Nam không nhiều nhưng cũng đã có. Trong thể thao đỉnh cao hiện đại, sức ép dành cho các vận động viên rất lớn. Áp lực có thể dẫn đến suy nghĩ phải dùng chất kích thích để đạt được thành tích. Do đó, những người có trách nhiệm cần quan tâm sâu sát để nắm bắt tâm tư, chia sẻ, giảm tải áp lực, tích cực cập nhật, tuyên truyền về các vấn đề phòng, chống doping.

Xóa sạch doping khỏi thể thao không dễ, nhưng ít nhất, không còn để xảy ra những vụ việc đáng xấu hổ vì “thiếu hiểu biết”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn