MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Aaron Wan-Bissaka chuyển đến Man United với giá 55 triệu bảng. Ảnh: TheTimes

Thị trường chuyển nhượng cầu thủ thời COVID-19: Đừng mơ đến “bom tấn” nữa

NHIẾP PHONG LDO | 18/04/2020 07:01

Khi tài chính bị ảnh hưởng, các đội Châu Âu không còn tiền để “vung tay quá trán” trên thị trường chuyển nhượng nữa. Nặng nề nhất là tại Anh, nơi các đội bóng đang sống trong nỗi lo sợ vì dịch bệnh.

Những khoản tiền chỉ hiện hữu trên giấy tờ

Các đội bóng chơi ở Premier League được thống kê đang nợ khoảng 1,6 tỉ bảng tiền chuyển nhượng cầu thủ. Trong số này, có 900 triệu bảng trên hóa đơn ghi nợ đến từ các đội nước ngoài. Các cầu thủ nước ngoài đang chơi tại Anh phần lớn cập bến từ các giải Tây Ban Nha. Một vài đối tác lớn tại “xứ sở đấu bò” đã phải ứng trước các khoản khi đại dịch COVID-19 diễn ra. Đó là tiền lót tay, tiền cho người đại diện, thậm chí tiền bản quyền hình ảnh cho các ngôi sao. Nhưng sức của họ cũng có hạn, các đội bóng Anh trước sau cũng phải trả lại số tiền đó. Những khoản nợ vô hình được trả dần giờ đây đã hóa món nợ cần thanh toán gấp.

Trong các giao dịch mua cầu thủ, nhiều đội buộc phải chọn phương án trả góp hoặc trả từng phần theo số thời gian trong hợp đồng. Trường hợp Nicolas Pepe đến Arsenal là ví dụ. Mỗi năm, “Pháo thủ” phải trả cho Lille 20 triệu bảng, kéo dài trong 4 năm. Nhiều đội mới trả được phần nhỏ trên tổng số tiền chuyển nhượng, giờ đây không biết lấy đâu ra tiền để thanh toán nốt cho đối tác.

Nhiều nhà phân tích bóng đá tại Anh cho hay, thị trường chuyển nhượng sau mùa giải này và ở một vài giai đoạn kế tiếp sẽ sụp đổ. Thống kê cho thấy, giá trị của các cầu thủ chơi tại Premier League đã giảm khoảng 1,8 tỉ bảng khi cả Châu Âu phải chịu hậu quả của dịch bệnh. Ví dụ trường hợp của Aubameyang. Tiền đạo người Gabon muốn rời Arsenal sau mùa này để tới Real Madrid. Giá trị của anh từ hồi tháng 1 vào khoảng 70 triệu bảng, nhưng giờ đã xuống còn khoảng 50 do chính Real cũng phải “thắt lưng, buộc bụng”.

Phí chuyển nhượng cầu thủ đã tăng phi mã trong 5 năm trở lại đây. Một đội có tài chính trung bình như Aston Villa sẵn sàng chi trung bình 25 triệu bảng cho một ngôi sao cập bến Villa Park khi đội bóng quay trở lại Premier League. Giờ đây, những cuộc chơi ngông như thế sẽ không xảy ra nữa. Khả năng cao Villa cũng phải nhờ vào gói cứu trợ của Chính phủ Anh để sống sót qua đại dịch này.

Trong những năm qua, các đội tại Premier League nhận tới hàng trăm triệu bảng tiền bản quyền truyền hình, đội mới lên hạng cũng nhận cỡ 93 triệu bảng. Thế nhưng phần lớn trong số đó là tiền trên giấy tờ, tiền mặt chuyển thẳng vào tài khoản không đáng là bao. Kết quả là các đội bóng Anh gần như lâm vào cảnh bị ghi nợ cho toàn bộ các thương vụ mua bán, chi tiêu.

Lách khe cửa hẹp để tự cứu  

Bị ghi nợ nhiều nhất với các vụ chuyển nhượng là Manchester United với số tiền khoảng 169,3 triệu bảng. Xếp sau là Manchester City khoảng 83,7 triệu bảng, tiếp theo là Tottenham khoảng 83,4 triệu bảng. Các đội còn lại có con số nợ trung bình là 15 triệu bảng/đội. Có nhiều thông tin cho rằng, tiền bản quyền truyền hình giữa các đội và các nhà đài sẽ được giải quyết êm đẹp. Tuy nhiên, các thu nhập khác được tính bằng “tiền tươi, thóc thật” như bán vé, thương mại - bán lẻ coi như không phát sinh trong đợt dịch này. Các đội muốn cắt giảm lương quyết liệt cũng từ lẽ đó mà ra.

Điều lo sợ nhất với các đội bóng Anh lúc này ở cách hành xử của các chủ nợ người nước ngoài sẽ ra sao? Nếu trong phạm vi lãnh thổ Anh, các CLB có thể nắm tay nhau vượt qua khó khăn. Thế nhưng, những đối tác nước ngoài có thể lạnh lùng đến tàn nhẫn trong vấn đề đòi nợ. Họ cũng gặp khó khăn, mọi khoản tiền nợ cần được thu hồi càng sớm càng tốt để tự cứu lấy bản thân.

Khi bán Wan-Bissaka cho Manchester United, Crystal Palace mới nhận trước gần một nửa số tiền, khoảng 22,5 triệu bảng. Khoản còn lại sẽ được trả nốt sau mùa này. Nhưng khi khó khăn, Palace không thể ngồi đợi M.U trả tiền mà phải tự hành động. Đội chủ sân Selhurst Park đã bán khoản nợ của M.U cho ngân hàng Macquarie tại Australia. Macquarie sẽ trả nốt số còn thiếu cho Palace. M.U lúc này lại rơi vào cảnh nợ một đối tác nước ngoài là Macquarie chứ không còn nợ Palace nữa. Do đó, “Quỷ đỏ” sẽ bị đòi rất gắt gao.

Rất nhiều đội đã chọn cách này để lách qua các khe cửa hẹp, tự tìm đường sống trong mùa COVID-19. Đây là một trong những ví dụ cho câu nói “cái khó ló cái khôn”.

Sẽ không còn “bom tấn chuyển nhượng” trên toàn Châu Âu

Real Madrid đã nhắm Aubameyang chỉ với giá khoảng 50 triệu bảng và tạm thời bỏ qua Kylian Mbappe giá khoảng 150 triệu bảng. Điều đó cho thấy, dù hùng mạnh cỡ Los Blancos cũng không dám vung tiền để bị Luật công bằng tài chính “gõ đầu” như Manchester City từng “ăn đòn”. Barcelona muốn có Griezmann và Lautaro Martinez, họ sẽ phải bán cùng lúc 5-6 ngôi sao. Trong khi đó, Borrussia Dortmund đã điền tên Haaland vào danh sách mùa tới, bởi họ biết, chẳng đội nào dám vung tiền mua tiền đạo người Na Uy lúc này.

Các giải đấu và thị trường chuyển nhượng sẽ thay đổi bộ mặt sau mùa giải năm nay. Các đội bóng nên có phương án cảnh giác với dịch bệnh, như cách Wimbledon đã mua bảo hiểm từ năm 2003. Dịch COVID-19 đã để lại hậu quả quá nặng nề nhưng cũng là dịp để dạy cho các CLB lớn một bài học về các tiêu tiền và tích lũy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn