MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Câu lạc bộ Công an Hà Nội là đội bóng V.League tích cực nhất trên thị trường chuyển nhượng. Ảnh: VPF

Thị trường chuyển nhượng V.League ảm đạm hơn giải hạng Nhất

PHƯƠNG TRANG LDO | 15/08/2024 10:56

Trong khi nhiều đội V.League chưa có động thái chuyển nhượng cầu thủ thì các câu lạc bộ hạng Nhất lại mua sắm mạnh tay.

Ảm đạm “phiên chợ” V.League

Tính đến thời điểm này, ngoài câu lạc bộ Công an Hà Nội, các đội bóng V.League khác vẫn chưa công bố bản hợp đồng chuyển nhượng nào thực sự “hoành tráng”. Đội bóng ngành Công an gia hạn hợp đồng với Nguyễn Quang Hải, có được chữ ký của Alan, Đình Trọng, Văn Đức (Bình Định) và đặc biệt là Jason Quang Vinh Pendant - ngôi sao Việt kiều thi đấu tại Ligue 2 của Pháp.

Câu lạc bộ Hà Nội cũng chỉ công bố 2 cầu thủ tầm trung bình khá là Hồ Thanh Minh (Huế) và Chu Văn Kiên (TPHCM).

Thể Công Viettel vừa phải từ bỏ mục tiêu Patrik Lê Giang vì phí chuyển nhượng quá cao. Họ hài lòng khi gia hạn với Văn Phong, có thêm Bùi Văn Đức và Nguyễn Minh Tùng. Tuy nhiên, Hoàng Đức ra đi là một bài toán khó với Huấn luyện viên Đức Thắng.

Trong khi đó, Câu lạc bộ Thanh Hóa dù phải thi đấu 3 đấu trường ở mùa giải 2024-2025 nhưng chưa công bố bất kỳ tân binh nào. Đội bóng xứ Thanh chủ động giữ chân toàn bộ trụ cột, tái ký với 2 ngoại binh Rimario Gordon và Luiz Antonio, còn Gustavo cũng trở lại. Chưa kể, Thanh Hóa phải giải quyết số tiền thưởng, lương còn tồn đọng.

Một số câu lạc bộ khác cũng “im hơi lặng tiếng” trên thị trường chuyển nhượng như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Phòng, Bình Định và Sông Lam Nghệ An. Các đội này có mức chi tiêu vừa phải nên cố gắng chọn các mục tiêu vừa với số tiền trong tay, ưu tiên sử dụng cầu thủ trẻ và các bản hợp đồng mượn từ đội bóng lớn.

Không phải ngẫu nhiên mà V.League trở nên yên ắng bất thường dù trong mùa chuyển nhượng. “Cơn bão” tài chính khiến hầu bao của ông chủ bị thắt chặt. Việc duy trì đội bóng còn vất vả chứ chưa nói tới chuyện “chạy đua” theo mức giá cầu thủ đang leo thang. Họ chấp nhận mạo hiểm, dùng cầu thủ trẻ thay vì tính đến các bản hợp đồng ưng ý.

Sức ép từ giải hạng Nhất

Kinh tế khó khăn không phải lý do duy nhất khiến các đội bóng V.League “bó tay” khi mua sắm. Sức ép rất lớn từ 3 đội bóng hạng Nhất khiến nhiều câu lạc bộ ở giải vô địch quốc gia cũng không thể so bì.

Câu lạc bộ PVF-CAND, Bình Phước và Trẻ TPHCM là các đội bóng đặt mục tiêu lên hạng. Chỉ riêng các đội này đã mua đến gần 30 cầu thủ chỉ trong 1 tháng ngắn ngủi. Nhiều cầu thủ chuyển đến những đội bóng trên có thể đá chính hoặc thậm chí là ngôi sao tại V.League.

Đương kim á quân PVF-CAND không có nhiều tiền nhưng kịp mua Trần Văn Hòa, Martin Lo, Ryan Ha và Nguyễn Huy Hùng. Trong khi đó, Bình Phước có được chữ ký của Tấn Sinh, Sầm Ngọc Đức, Lê Văn Nam, Hoàng Dương, Sỹ Giáp, Mạc Đức Việt Anh… Trẻ TPHCM cũng sở hữu lực lượng mà nhiều đội bóng khác thèm muốn như Hữu Tuấn, Ngọc Bảo, Văn Thuận, Văn Thành, Minh Bình, Văn Tùng, Đinh Thanh Bình…

Khi giá trị chuyển nhượng của cầu thủ lên cao, nguồn cung cấp cầu thủ ngày càng eo hẹp, vai trò của huấn luyện viên lại càng trở nên quan trọng. Khả năng phát triển tài năng trẻ, “liệu cơm, gắp mắm” của họ sẽ giúp đội bóng vượt qua được khó khăn.

Sự chênh lệch giàu - nghèo lớn giữa các đội bóng ở cùng giải đấu là điều không tốt. Tuy nhiên, vẫn có những nét tích cực trong một bức tranh tối màu. Bởi không thể mua sắm nhiều, một số đội bóng buộc phải dùng cầu thủ trẻ và nhìn lại công tác xây dựng lứa kế cận của mình. Vài năm qua, không ít đội bóng V.League vô tư “xây nhà từ nóc” vì cách làm kiểu “thiếu ở đâu, mua bù ở đó”.

Nhưng giờ mọi chuyện đã khác, chỉ số ít đội có thể làm được điều này. Khi cầu thủ trẻ được tạo điều kiện thi đấu liên tục ở môi trường khắc nghiệt, họ sẽ nhanh chóng tiến bộ và tạo nên sự đa dạng trên thị trường chuyển nhượng.

Chỉ câu lạc bộ - tế bào của V.League chú trọng vào “sức khỏe” mang tính bền vững của mình, giải đấu mới có thể phát triển ổn định. Từ đây, sức mạnh của đội tuyển quốc gia sẽ được nâng tầm và bóng đá Việt Nam đi đúng hướng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn